93. Xuống Cà Mau chụp… đìa!

Xuống Cà Mau chụp… đìa!

Ở miệt rừng Cà Mau, người ta có cách bắt cá độc đáo là không cần tát nước mà vẫn bắt hết sạch cá trong ao một cách nhanh chóng nhất, dân gian gọi là “chụp đìa”.
Miệt rừng Cà Mau gồm các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình nổi tiếng xưa nay vì nhiều cá đồng, nhất là vào mùa khô, ruộng đồng khô cạn nên các loài cá đồng tìm về những cái đìa (ao) để trú ngụ. Tháng giáp Tết là thời điểm người dân quê thu hoạch đìa, không khí vui tươi như trẩy hội.
Chụp đìa bắt được nhiều cá hơn
Nếu trước kia người ta bắt cá trong đìa bằng cách tát hết nước hoặc tác cạn để kéo lưới, mò, nôm… thì ngày nay người ta sáng chế ra cách chụp đìa rất hiệu quả và thú vị, vừa đỡ tốn thời gian vừa không mất nhiều công sức lại bắt được nhiều cá.
Chụp đìa rất đơn giản, trước tiên người ta dọn sạch cỏ rác trên mặt nước, rồi dùng một tấm lưới rộng hơn miệng đìa bao phủ toàn bộ mặt nước, sau đó từ từ hạ tấm lưới xuống cách đáy ao khoảng 0,5m, rồi dùng những cây tre nhỏ hay cây sậy, bẻ gập đôi lại và ghim viền lưới vào thành đìa. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới.

Thu hoạch cá đồng bằng cách chụp đìa khá dễ dàng
Thu hoạch cá đồng bằng cách chụp đìa khá dễ dàng

 

Do đặc tính loài cá là cứ vài phút phải ngoi lên mặt nước để thở, nên khi cá thấy ngộp sẽ men theo thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên lấy oxy. Thời gian này người dân ngồi trên bờ uống trà, trò chuyện, khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, cá chui hết lên trên, nằm gọn trên mặt lưới, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn để không cho cá chui ngược trở xuống. Tiếp đến là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi kéo lưới gom cá về một đầu đìa dùng vợt hoặc rỗ to để xúc cá lên.

Cá lóc chụp đìa nướng trui tại chỗ thì ngon tuyệt
Cá lóc chụp đìa nướng trui tại chỗ thì ngon tuyệt

 

Chụp đìa bắt được toàn cá sống, nhiều đìa mỗi lần chụp có hàng tấn cá nên người dân phải neo cá lại trong lưới để chờ thương lái đến thu mua hoặc thuê người xẻ cá làm khô, làm mắm ngay tại chỗ để dành ăn Tết và bán dần. Mắm và khô cá đồng thịt thơm ngon đặc trưng.

Đủ loại cá đồng nằm gọn trong lưới
Đủ loại cá đồng nằm gọn trong lưới

Đặc biệt là cá bổi to bằng bàn tay chỉ riêng vùng Cà Mau mới có, đem phơi khô làm mồi nhấm rượu rất tuyệt. Người Cà Mau có một cách bảo quản cá khô rất độc đáo là đem ủ trong bồ lúa. Nhiều tháng sau đem khô ra nướng vẫn không bị ẩm mốc mà lại rất thơm.

Phân loại, kích cỡ để bán hoặc làm khô
Phân loại, kích cỡ để bán hoặc làm khô

 

Người dân U Minh kể rằng, thời bác Ba Phi cũng tát đìa như các nơi khác, lúc đó cá rất nhiều, đìa lại lớn, trai tráng trong xóm ra công tát mất mấy ngày trời nước đìa mới cạn. Mấy năm đầu, bác Ba Phi phải đan lưới vải để lùa đám rùa sang một góc đìa trước khi nước tát gần cạn. Thấy vậy, ông Tư Thoại, hàng xóm của bác Ba Phi nghĩ ra cách dùng lưới chụp đìa vừa đỡ tốn công tát vừa bắt được cá sạch trơn không dính một chút bùn.

Đủ loại cá đồng nằm gọn trong lưới
Đủ loại cá đồng nằm gọn trong lưới

Từ đó, bà con trong xóm không gọi Tư Thoại nữa mà gọi là Tư Lưới để nhớ về người tạo ra giàn lưới chụp đìa cho xứ sở này. Kể từ đó, miệt bán đảo Cà Mau đã dùng lưới chụp đìa để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn chụp các kinh mương, kinh xáng ở giữa rừng U Minh…

Dùng rỗ xúc cá lên một cách tự nhiên
Dùng rỗ xúc cá lên một cách tự nhiên

Cá nhiều hay ít nhờ… thầy đìa
Không rõ chuyện thực hư thế nào, song ở U Minh từ lâu đã có những người chuyên làm nghề chụp đìa để sống. Nó gắn liền với giai thoại những ông thầy đìa có biệt tài đoán cá trong ao bách phát bách trúng như những nhà ngoài cảm. Những thầy đìa Năm Điệt, Sáu Quang, Mười Thăng… chỉ cần nhìn mặt nước, tăm cá, áp tai lên thành đìa hoặc thò chân xuống nước… là đoán trúng phóc trong ao có bao nhiêu cá.

Cá bổi là sản phẩm tiêu biểu của mùa chụp đìa
Cá bổi là sản phẩm tiêu biểu của mùa chụp đìa

Thậm chí họ còn có khả năng đoán hướng di cư của cá để chỉ chỗ cho người ta đào ao đón luồng cá. Thầy đìa Mười Thăng ở xã Khánh Bình Tây Bắc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Khoảng chục năm về trước cá còn rất nhiều nên nghề đìa làm ăn khá lắm.

Phân loại, kích cỡ để bán hoặc làm khô
Phân loại, kích cỡ để bán hoặc làm khô

Hồi ấy, mùa giáp Tết là các thầy đìa bận rộn nhất, vừa đi mua đìa, vừa được người ta thuê đi xem đìa… Bây giờ chụp đìa vẫn còn nhưng đã kém vui hơn nhiều vì không còn cảnh thầy đìa thi thố tài năng đoán cá và người dân ngày nay chỉ thuê người bắt cá lên cân bán chứ không còn bán nguyên ao chưa khai thác như trước đây nữa”.

Không khí bắt cá rất vui vẻ
Không khí bắt cá rất vui vẻ

Giờ đây nông dân làm lúa vụ 3, phân thuốc quá nhiều cộng với phần con người bắt cá vô tội vạ nên lượng cá đồng ngày càng ít. Nghề đìa giờ đã bị mai một và chụp đìa chỉ còn xuất hiện ở một vài nơi trong tận vùng sâu của rừng U Minh.

Bài & ảnh: DUY NHÂN (Báo Người Lao Động)

80. Lõi gia đình của một thành phố mở

Lõi gia đình của một thành phố mở

SGTT.VN – Nhiều nhà nghiên cứu về Nam Bộ và Sài Gòn đã cho ta biết các tính cách đặc biệt của con người khám phá vùng đất mới: trọng nghĩa khí, giàu tình thân, sức sống mãnh liệt, nhân văn, trọng thực tế, nhạy kỹ thuật, giao thương… Bây giờ là thành phố của những người nhập cư, rất khó xác định còn bao nhiêu người “gốc” Sài Gòn. Thành phố sẽ ngày càng lớn, nhưng sự giãn nở luôn có cái lõi đô thị, cái gốc của văn minh, của truyền thống.

Ảnh: Trần Việt Đức
Ảnh: Trần Việt Đức

Khi báo chí phỏng vấn nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Đình Đầu: “Theo góc độ nghiên cứu của cụ, thì những ai được coi là người Sài Gòn?”, cụ Đầu trả lời: “Sài Gòn là vùng đất mới, hơn 300 năm. Có ai sinh trưởng ở Sài Gòn trước đó đâu… Miêu tả người Sài Gòn phải có đặc trưng nhiều giai đoạn”. Nhiều nhà nghiên cứu còn nói nếu nét đặc trưng phụ nữ Hà Nội là đài các, Huế thuỳ mị khẽ khàng thì Sài Gòn phóng khoáng tươi trẻ tự tin, ít gò bó lễ giáo. Lại còn vui vẻ ưa hưởng thụ, ít tiết kiệm. Từ những năm giữa thế kỷ trước, Sài Gòn đã có các cô con nhà giàu, con điền chủ miền Tây học các trường Regina Pacis, Marie Curie… chạy xe Rolex, dạn dĩ, áo quần thời trang, nói tiếng Tây như gió… Người phụ nữ gia đình ở Sài Gòn xưa chưa phổ biến cả hai vợ chồng đi làm. Chỉ có giới nghèo đi buôn bán mới lao nhọc. Nhiều phụ nữ ở nhà chăm con cho chồng đi làm. Giáo dục gia đình rất được chú ý. Hồi sau 1975, nhiều người vào đây ngạc nhiên thấy con em có khi đã là thanh niên vẫn khoanh tay chào người lớn và xưng con (trong khi phổ biến ở miền Bắc là xưng cháu).

Có người thắc mắc, sao Sài Gòn cũng là nơi nhiều người tứ xứ, nhập cư, nhưng không thể đem các thói xấu ở các nơi về làm tệ hại Sài Gòn nhiều như các nơi khác? Ở quê ra Sài Gòn bưng bê phục vụ khách thôi, phải học cái chuyên nghiệp của Sài Gòn. Để cho khách than phiền là chủ đuổi việc. Giữ chữ tín, thương hiệu. Sống ở Sài Gòn phải giống Sài Gòn chứ không bắt Sài Gòn theo thói xấu của mình vì thị trường và nhân văn nơi này không chấp nhận thế. Cái tốt, sự chuyên nghiệp của Sài Gòn có sức mạnh như luật sống tự nhiên vậy. Sài Gòn có sức mạnh truyền thống văn hoá thị trường chuyên nghiệp, giàu cái tình, nhạy bén và hiểu nỗi éo le. Những thứ đó vẫn đang được giữ bền vững từ trong văn hoá gia đình. Vẫn cố giữ lấy cái tình đằm thắm của Sài Gòn, của Nam bộ.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

79. Sài Gòn, con tàu chở đầy hy vọng

Sài Gòn, con tàu chở đầy hy vọng

SGTT.VN – Sài Gòn – TP.HCM hôm nay quả là có thay đổi, rất nhiều cao ốc, nhiều khu đô thị mới, nhiều khuôn mặt mới, giọng nói mới. Thành phố đã được cộng thêm rất nhiều thứ, cả cái hay lẫn cái dở. Nhưng Sài Gòn sẽ vẫn là Sài Gòn, cho dù con đường của nó tất yếu sẽ giống những đô thị hiện đại khác trong khu vực…

Ảnh: Trần Việt Đức
Ảnh: Trần Việt Đức

Tôi có anh bạn vong niên, đầy tài năng, đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh. Anh viết về Hải Phòng quê anh bằng những câu thơ thế này: “Thành phố như con tàu chở đầy thuốc nổ/ Cuốn đi thân phận mỗi con người…” Phải yêu mảnh đất của mình lắm mới có nổi câu thơ như vậy.

Là một người Hà Nội, tất nhiên tôi biết Sài Gòn từ sau 30.4.1975. Biết một Sài Gòn của đô thị, của hàng hoá, một Sài Gòn ầm ầm tiếng xe máy từ sáng sớm tới tận khuya. Một thành phố mà trẻ con khoanh tay chào người lớn, còn người lớn, từ dùng nhiều hơn cả là hai chữ “cảm ơn”. Biết những quán càphê vỉa hè của giới trí thức, giới văn nghệ sáng sáng chào hỏi nhau bằng tiếng Pháp. Biết cả những tô hủ tíu đêm giá chỉ bằng vài điếu thuốc lá mà vẫn nóng hổi ngon lành. Sài Gòn ngày ấy năng động và chịu đựng (ít ai nghĩ được sự chịu đựng đó kéo dài hơn một thập kỷ).

Người Sài Gòn ứng xử thật giỏi trong mọi loại hình dịch vụ. Người tiêu 100 ngàn đồng cũng chẳng khác gì người tiêu vài ba triệu đồng trong một quán ăn. Bác xích lô dẫn cả nhà đi ăn tối sau một ngày lao động cười nói vui vẻ với chủ một doanh nghiệp ngồi bàn bên. Mà lạ, lâu nay trên truyền hình, những phim nhiều tập lại thích khai thác đề tài về khoảng cách giàu nghèo của người Sài Gòn trong thời buổi thị trường phủ đầy màu sắc tiêu cực. Tất nhiên điều đó là có, nhưng thực ra nó xa lạ với bản chất người Sài Gòn. Ngày xưa những điền chủ Nam bộ với hàng trăm mẫu đất vẫn ngồi nghe cải lương, hát đờn ca tài tử với nông dân những ngày nông nhàn.

Sài Gòn – TP.HCM hôm nay quả là có thay đổi, rất nhiều cao ốc, nhiều khu đô thị mới, nhiều khuôn mặt mới, giọng nói mới. Thành phố đã được cộng thêm rất nhiều thứ, cả cái hay lẫn cái dở. Ai cũng tất bật hối hả, các cửa hiệu đẹp hơn, đông hơn. Đến quán nhậu thi thoảng mới nghe được một giọng Sài Gòn chánh hiệu, người ở đâu mà đông thế, may mà vỉa hè vẫn sạch sẽ. Chiều đến én vẫn bay trên nóc nhà thờ Đức Bà, gió vẫn thổi xua đi nóng bức, một bác xích lô đọc báo chờ khách, một nụ cười cùng lời cảm ơn… Những chi tiết nho nhỏ đó đủ để nuôi một hy vọng Sài Gòn vẫn là Sài Gòn, cho dù con đường của nó tất yếu sẽ giống những đô thị hiện đại khác trong khu vực.

Lần gần đây nhất về với Sài Gòn, tôi được dự đêm âm nhạc Trịnh Công Sơn tại quận 7 nhân kỷ niệm ngày mất của ông. Đêm đó chứng kiến hơn ba vạn khán giả cùng hát Nối vòng tay lớn, chắc chắn không chỉ mình tôi có nước mắt.

Và, hơn hết cả là niềm hy vọng của tôi được nhân đôi. Có lẽ vì thế, tôi tự nhủ xin phép NSND Đào Trọng Khánh, tôi có câu này cho Sài Gòn:

Sài Gòn như con tàu chở đầy hy vọng

Cuốn theo số phận mỗi con người

Trịnh Tú

77. Những tên tuổi còn mãi với thời gian

Những tên tuổi còn mãi với thời gian

SGTT.VN – Có thể nói Sài Gòn là cái nôi, nơi sản sinh rất nhiều thương hiệu Việt. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều thương hiệu đã mất đi hoặc bị thâu tóm, sóng sau đùa sóng trước, rồi lại nảy nòi những thương hiệu mới. Nhưng dù có mất đi hay còn tồn tại, thay tên, đổi chủ, những dấu ấn thương hiệu cũ, mới vẫn đọng lại với những bài học luôn còn nguyên giá trị trong công cuộc hội nhập kinh tế hiện nay.

Hiện vật của hãng xà bông Trương Văn Bền.
Hiện vật của hãng xà bông Trương Văn Bền.

Cho dù hiện nay có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng, hàng chất lượng cao, nhưng những bậc cao niên sinh sống ở Sài Gòn cho đến nay vẫn nhắc hoài xà bông Cô Ba, kem Hynos, kem Perlon, nước tương Nam Dương Con Mèo Đen, nước mắm Liên Thành, càri Việt Ấn… Những thương hiệu có xuất thân từ Sài Gòn một thời nổi tiếng khắp cả nước ấy, có thương hiệu được tiếp nối sản xuất đến bây giờ, có thương hiệu đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn trong ký ức người cao tuổi và những hình ảnh còn lưu lại.

Vì sao người tiêu dùng nhớ

Ông Nguyễn Văn Đắc, 73 tuổi, hiện sống ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình vẫn cứ yêu cầu con cháu mình mua nước mắm là phải hiệu Liên Thành, còn nước tương phải đúng Con Mèo Đen. Các con ông cho biết, năm xảy ra vụ những sản phẩm nước tương có chứa chất 3-MCPD bị người tiêu dùng từ chối, ông Đắc vẫn một mực không đổi sang ăn nước tương hiệu khác. Mỗi ngày, ông theo dõi thời sự, xem xí nghiệp Nam Dương thay đổi công nghệ thế nào. Ông bào chữa thay cho nhà sản xuất “vì chất 3-MCPD là một phát hiện mới của khoa học, chứ họ vẫn sản xuất nước tương chất lượng, họ biết mình tin dùng thì họ sẽ thay đổi công nghệ để sản xuất cho phù hợp tiêu chuẩn chất lượng mới thôi”. Ở đây, có bài quý giá xây dựng được niềm tin, sẽ có sự chung thuỷ nơi người tiêu dùng.

Giữa hàng trăm nhãn hiệu xà bông, mỹ phẩm ngoại nhập hay được sản xuất sau này, một số thương hiệu Việt Nam vẫn tiêu thụ được. Xà bông Cô Ba (nay đã thuộc sở hữu nước ngoài) vẫn được bán sỉ trong chợ Kim Biên và bán lẻ ở một số chợ tại TP.HCM. Năm 1930, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại khu vực chợ Kim Biên bây giờ. Nhiều người nói ông Trương Văn Bền sản xuất xà bông Cô Ba từ dừa, nhưng quan trọng là công thức sản xuất của ông tạo nên xà bông có mùi thơm không lẫn lộn với hiệu khác và khiến người ta không cần nhìn, chỉ nghe mùi đã biết đó là xà bông Cô Ba của hãng Trương Văn Bền. Thế nhưng, tiểu thương cho rằng xà bông Cô Ba để lại ấn tượng lâu bền chính là gương mặt người phụ nữ Việt Nam phúc hậu in trên bao bì, nên thuở xưa khi xà bông Cô Ba – xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam ra đời, Cô Ba gần gũi đã đánh bạt xà bông thơm của Pháp, nhập cảng từ Marseille nhờ phẩm chất tốt, giá thấp, thậm chí còn xuất sang Hương Cảng, qua châu Phi và Tân Đảo. Và cái gì ban đầu tạo ấn tượng mạnh mẽ thì khiến người ta nhớ lâu và chưa muốn quên.

Sài Gòn, nơi đất lành chim đậu, dân tứ xứ đổ về mang theo ý chí lập nghiệp, làm nảy nòi những thương hiệu cha truyền, con nối. Những người sống ở khu vực Chợ Lớn rất quen với hiệu giày Long Thành có trên 50 năm. Ông Trần Văn Sái, rời Hà Nam di cư vào Sài Gòn, làm nghề sửa, ráp xe, tình cơ ông gặp người anh con bác ruột làm nghề thợ giày nên theo học. Rành nghề, ông mở tiệm năm 1939 và chăm chỉ lập nghiệp bằng nghề làm giày. Cụ bà Bùi Thị Thơ đã cùng các con chung tay bồi đắp cho cơ sở giày dép da Long Thành. Ông Trần Hữu Thành tiếp quản sự nghiệp từ cha mẹ, đã lập tức đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhằm bảo vệ thương hiệu. Nay ông Thành đã mở rộng mạng lưới tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành.

Một thương hiệu “cha truyền con nối” khác rất quen thuộc vời các bà nội trợ là càri Việt Ấn. Ông Châu Tư tức Chu Vinh Cơ và gia đình nhà họ Châu đã tìm tòi những cây hương liệu quý để sản xuất bột càri, ngũ vị hương, bột hồi, quế, nghệ, bột điều màu… và sáng lập ra một cơ sở sản xuất gia vị Việt Ấn – VIANCO vào năm 1958. Sau năm 1975, xưởng sản xuất có tạm ngưng và bắt đầu hoạt động lại vào năm 1985 với nhiều khó khăn ban đầu vì thương hiệu bị lãng quên sau một thời gian. Sau đó ba năm, Việt Ấn đã hợp tác liên doanh với công ty Chinavico (của Úc) và thành lập xí nghiệp liên doanh VIANCO. VIANCO phát triển thêm nhiều nhóm sản sản phẩm, đặc biệt, nhiều gia vị có chứa tinh dầu tốt cho sức khoẻ. Càri Việt Ấn được người tiêu dùng “mẹ truyền con nối”. Bà mẹ dùng càri Việt Ấn rồi truyền tình yêu gia vị đó cho con gái, hay con dâu. Gia vị truyền thống của VIANCO vẫn tràn đầy sức sống trong thời đại mới. Hiện nay, ông Châu Thinh Lân, con út ông Châu Tư, đang nhận lấy trách nhiệm phát triển liên doanh VIANCO.

Chuyện xưa nhưng thời sự nay

Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không phải mới mấy năm gần đây. Thế hệ doanh nhân xưa đã ý thức tinh thần này qua cái tên họ đặt cho công ty hay qua những chương trình quảng bá.

Với doanh nhân Trương Văn Bền, khi đã định hình được tên tuổi sản phẩm và thị trường tiêu dùng, ông đặc biệt chú trọng vào khâu quảng cáo, khuếch trương thương hiệu. Những người sinh sống lâu năm ở Sài Gòn nhớ trong suốt thời gian dài hầu hết báo chí thời đó đều đăng mục quảng cáo “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” của hãng Xà bông Trương Văn Bền.

So với nhiều thương hiệu có tên tuổi của đất Sài Gòn xưa, Vinabico có thâm niên ngắn hơn vì chỉ mới xây dựng từ năm 1974. Thế nhưng “con thiên nga Vinabico” vẫn được người ta nhớ vì cái tên doanh nghiệp là “Việt Nam bánh kẹo công ty” mà ông Trương Hy – người sáng lập – đặt như sự khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng hàng Việt Nam. Khi ông bàn giao công ty cho Nhà nước vào năm 1978, đã có ý kiến thay đổi tên công ty. Nếu ông Nguyễn Văn Khá, giám đốc công ty lúc đó không kiên quyết thuyết phục giữ lại tên thì chưa chắc công ty phát triển và khi liên doanh với tập đoàn Kotobuki (Nhật), đối tác đã thừa nhận thương hiệu Vinabico không thể mất trong liên doanh. Sau này, mỗi thương hiệu dù có lối đi riêng để tồn tại và phát triển, nhưng giá trị vô hình của hai chữ Việt Nam là điều đáng để nhớ trong xây dựng thương hiệu.

Các Ngọc

75. Thành phố “không giống ai”

Thành phố “không giống ai”

SGTT.VN – Tôi có anh bạn Hàn Quốc đến làm ăn ở TP.HCM được dăm năm, nhưng hễ ai hỏi thì anh ta nói “Tôi là người Sài Gòn” với vẻ tự hào không giấu giếm. Nhiều người đến lập nghiệp ở đây từ khắp mọi miền đất nước cũng không hề bối rối khi xưng mình là người Sài Gòn. Vậy là “người Sài Gòn” nghiễm nhiên trở thành một danh xưng có tính quốc gia và quốc tế.

 Ảnh: Thanh Hảo
Ảnh: Thanh Hảo

Ba trong một

Đã có lúc các nhà học giả tranh luận với nhau rằng ai là người “Tràng An”, ai là người Sài Gòn chính gốc. Sinh thời, GS Trần Văn Giàu có lần nói người Sài Gòn cố cựu nào có được mấy ai, nhất là ở cái mảnh đất mới toàn là dân tứ xứ tụ lại. Vậy “người Sài Gòn” không hẳn là danh xưng để gọi ai đó sống thật lâu trên mảnh đất này, mà có lẽ để chỉ những tính cách mà người ta nhiễm phải sau một thời gian sống đủ lâu để thấm vào mình, rồi đeo đẳng họ cho đến khi lìa bỏ trần gian. Thật ra cái chất “người Sài Gòn” không phải là cái gì khác lạ mà chính là sự kết hợp của ba trong một. Đó là con người bản địa, con người Sài Gòn hoá và con người quốc tế hoá.

Thành phố này vốn nổi danh là nơi “đất lành chim đậu”, là vùng đất “tứ hải giai huynh đệ”, nơi hội tụ đủ mặt anh hào đất nước. Mọi người đến đây, mang theo trong hành trang của mình đặc sản văn hoá bản địa nơi mình sinh ra. Lịch sử mảnh đất này cho thấy từ thiết chế nhà nước, đến con người từ xưa đến nay chưa bao giờ tẩy chay ai, miễn họ có tấm lòng và thiện chí. So với các vùng miền khác thì đây là nơi đa dạng văn hoá, đa dạng dân tộc, tôn giáo nhất cả nước. Ai mang gì đến đây cũng được, muốn giữ điều gì cũng được miễn là điều đó không làm phương hại cộng đồng và bản thân không thấy “kỳ” là được. Nặng như tiếng Quảng, nhẹ như tiếng Hà Nội, trau chuốt như tiếng Huế, đồ ăn cay nồng như miền Trung, ngọt như miền Tây, mặn như miền Bắc đều được hoan nghênh ở đất này. Chỉ ở xứ này mới có thể tìm thấy những thứ mà ở nơi khác bị coi là kỳ dị, kỳ quặc, không giống ai…

Đất lành của mọi giấc mơ

Khí hậu thời tiết, truyền thống cư trú, và cơ chế chuyển động xã hội của mảnh đất này cũng góp phần tạo nên một phần khác trong con người ở đây. Mảnh đất này có cái lạ là chính bản thân đời sống và quan hệ xã hội của nó làm cho con người thay đổi tính cách một cách tự nhiên. Những ai cực đoan quá đến đây sẽ bớt thái quá, những ai bủn xỉn quá đến đây sẽ bớt keo kiệt, những ai ù lỳ, chậm chạp đến đây sẽ năng động, linh hoạt hơn và có một điều ai cũng thấy là nếu ai đó sống ở đây chỉ dăm năm thôi thì nhất định sẽ bị lây nhiễm một thứ “căn tính” được truyền từ đời này qua đời khác là mọi người đều tỏ ra cởi mở hơn, chân thật hơn, phóng khoáng hơn, bớt hẳn đi những thứ phô trương hình thức, màu mè mang từ nơi khác đến. GS.KTS Hoàng Đạo Kính có một nhận xét chí lý là “Chơi với người Sài Gòn có cái sướng là không cần mang mặt nạ, không phải đóng kịch”. Thật ra những sự thay đổi đó diễn ra trong mỗi “người Sài Gòn hai quê” một cách tự nhiên, như nhiên. Khi còn ở quê, có những ước mơ chỉ là ước mơ, những “cá tính” phải giấu đi thì khi sống ở mảnh đất này người ta có thể thực hiện được ước mơ đó, và có điều kiện “bùng nổ tính cách” trở thành những con người vượt trội.

Một Sài Gòn quốc tế hoá

Do hội tụ được tất cả các điều kiện thuận lợi mà Sài Gòn – TP.HCM luôn là nơi tiếp xúc, cọ xát với với thế giới văn minh phương Tây không chỉ sớm nhất cả nước mà còn liên tục chưa bao giờ bị đứt đoạn kể cả khi chiến tranh và bị cấm vận. Chính điều này đã hình thành trong con người Sài Gòn một phần không nhỏ của lối sống quốc tế hoá. Những đặc tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, táo bạo không phải là sản phẩm của bao cấp mà chính là sản phẩm của nền kinh tế thị trường và nền công nghiệp tiên tiến.

Người Sài Gòn không bảo thủ, chấp nhận từ bỏ cái cũ cho dù còn tác dụng nhưng hiệu quả thấp, dám thử nghiệm cái mới cho dù mạo hiểm và có cả phiêu lưu. Những cái mới (bền vững hay có tính thời trang) cũng đều xuất phát từ thành phố này. Thật không quá khi nói rằng hầu hết những cái được gọi là đầu tiên sau năm 1975 đều bắt đầu từ thành phố này: khu chế xuất đầu tiên (Tân Thuận, 1991); siêu thị đầu tiên (Maximark, 1996); khu công nghệ cao đầu tiên (SHP, 2000), khu công viên phần mềm đầu tiên (Quang Trung, 2001); bệnh viện tư đầu tiên (Phụ sản quốc tế Sài Gòn, 1996); đại học dân lập đầu tiên (Mở bán công, 1993); hãng phim tư nhân đầu tiên (Phước Sang); sàn chứng khoán đầu tiên (trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, 2007); nhà hát tư nhân đầu tiên (5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Idecaf); cao ốc hiện đại đầu tiên (toà nhà Imexco Building 1989); khách sạn 5 sao đầu tiên (New World, 1994)…

Hình như với người Sài Gòn thì không quy trình, sản phẩm nào được coi là hoàn hảo, vì khi đến tay người Sài Gòn rồi chúng cũng bị thêm thắt, cải tiến. Người Nhật kinh ngạc khi thấy những chiếc xe máy được coi là tuyệt hảo đến từng chi tiết, nhưng đến tay người Sài Gòn còn được gắn thêm hàng chục thứ khác nữa.

Đến giữa thế kỷ này, dân số Sài Gòn chắc sẽ lên đến 15 triệu người, người nhập cư, người nước ngoài sẽ nhiều hơn, khi ấy phần nào trong “người Sài Gòn” sẽ tăng lên, phần nào sẽ giảm đi: địa phương hoá, Sài Gòn hoá hay quốc tế hoá? Câu hỏi thật không dễ trả lời.

Nguyễn Minh Hoà

74. Ghềnh Nam Hòn Chuối mùa trở chướng

Ghềnh Nam Hòn Chuối mùa trở chướng

Phóng sự ảnh: Lê Minh Nhựt

Hòn Chuối là một đảo nhỏ nằm ở vùng biển phía Tây tỉnh Cà Mau, thuộc thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cách cửa biển Sông Đốc 18 hải lý. Hòn Chuối có diện tích 7km2, cao 169 mét so với mặt nước biển, trên đảo có khoảng 40 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy hải sản và buôn bán nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ.

Hằng năm, khoảng tháng chín âm lịch, khi gió chướng trở ngọn cư dân Hòn Chuối lại phải chạy từ ghềnh Chướng sang ghềnh Nam để tránh sóng gió. Đến mùa gió Nam năm sau, họ lại cụ bị đồ đạc xuống tàu chạy ngược trở lại.

Khi chúng tôi đến, cư dân Hòn Chuối vừa chạy sang ghềnh Nam được ít ngày, mọi sinh hoạt đã nhanh chóng trở lại bình thường như trước, bất chấp biển giả ngày càng trở nên thất thường khó đoán.

Hòn Chuối
Hòn Chuối
Nghề bốc vác ở đây tương đối “đắt hàng”. Tiền công được tính bằng kg, tùy theo đoạn đường, giá cả dao động từ 2.000đ đến 5.000đ/kg.
Nghề bốc vác ở đây tương đối “đắt hàng”. Tiền công được tính bằng kg, tùy theo đoạn đường, giá cả dao động từ 2.000đ đến 5.000đ/kg.
Người phụ nữ này đang chuẩn bị dàn dây câu cá lạc cho chồng ra khơi.
Người phụ nữ này đang chuẩn bị dàn dây câu cá lạc cho chồng ra khơi.
Những ngôi nhà “tổ chim” vừa được dựng lên trên vách đá ghềnh Nam.
Những ngôi nhà “tổ chim” vừa được dựng lên trên vách đá ghềnh Nam.
Bữa cơm sáng của vợ chồng anh Hiệp – gia đình vừa “nhập hộ khẩu” Hòn Chuối cách nay 01 tháng.
Bữa cơm sáng của vợ chồng anh Hiệp – gia đình vừa “nhập hộ khẩu” Hòn Chuối cách nay 01 tháng.
“Máy phát điện” của cư dân Hòn Chuối.
“Máy phát điện” của cư dân Hòn Chuối.
Hai đứa trẻ này vừa vượt 303 bậc đá từ ghềnh Nam để đến lớp học tình thương do Đồn biên phòng mở trên lưng chừng đảo.
Hai đứa trẻ này vừa vượt 303 bậc đá từ ghềnh Nam để đến lớp học tình thương do Đồn biên phòng mở trên lưng chừng đảo.
…và học một cách say mê.
…và học một cách say mê.
Khi cư dân “chạy” qua ghềnh Nam, ghềnh Chướng chỉ còn trơ lại những ngôi nhà “hả họng hứng gió”.
Khi cư dân “chạy” qua ghềnh Nam, ghềnh Chướng chỉ còn trơ lại những ngôi nhà “hả họng hứng gió”.

Lê Minh Nhựt

Link gốc: http://leminhnhut.blogtiengviet.net/2012/11/12/p5388436

Bình luận: Từ trước đến giờ mình đã lãng mạn hóa, thi vị hóa cuộc sống ở Hòn Khoai và Hòn Chuối mỗi khi nghĩ về Hòn Khoai và Hòn Chuối. Có lẽ sau này mình và mọi người cần phải làm nhiều hơn cho cuộc sống của người dân nơi đây.

68. Người Sài Gòn, 19th February, 2013

Người Sài Gòn

SGTT.VN – Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y. Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi.

Xích lô Sài Gòn
Xích lô Sài Gòn

Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán mà bụng vẫn trống không. Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.

Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thi thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.

Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.

Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.

Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn ráng vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ,
ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: Xích lô!

Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: Anh chị đi đâu?

– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?

Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.

Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: 15 đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường.

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người. Xuống giọng: Em mới chạy xe,
đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm.

Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!

Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.

Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy!

Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá!”

Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.

Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí. Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn.

Có người đã phát hiện, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn.

BÀI: NHỊ NGUYÊN
ẢNH: HÀ THÀNH

65. Bao lì xì Tết

Bao lì xì Tết

Bao lì xì Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.
Bao lì xì Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.

 

Tết Nguyên đán của Việt Nam lâu nay được cộng đồng thế giới chấp nhận với cái tên để nguyên tên gốc như Tet hoặc Têt.

Một từ thông dụng nữa được bạn bè quốc tế quen gọi là Tet holiday. Còn khi chúc mừng nhau người ta hay dùng cụm từ Happy new year chung cho cả tết dương lịch và tết âm lịch. Lời chúc cụ thể cho tết âm lịch phổ biến vẫn là Happy lunar new year.

Chúng ta đều biết rằng tại châu Á không chỉ có một mình Trung Quốc mà còn Việt Nam, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản cũng ăn tết theo âm lịch. Riêng Nhật Bản thì đến năm 1873 đã chuyển hẳn sang ăn tết theo dương lịch nhưng vẫn giữ đầy đủ phong tục theo tết cũ. Dù cũng là ăn tết âm lịch nhưng tên gọi tết của từng nước vẫn được quốc tế hóa như tết của người Việt được gọi là Tet holiday, của Hàn Quốc gọi là Seollal, tết Mông cổ là Tsagaan Sar… Tết của các nước này, trong đó có cả Việt Nam được gọi chung là Lunar new year (tết âm lịch).

Trong các văn bản, giấy mời dự tiệc chiêu đãi tết của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đều minh định cụ thể cách gọi tên tết Nguyên đán là Vietnamese new year, Tet holiday, hoặc Lunar new year. Chả trách mới đây ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã nói một câu chua xót rằng Tổng cục Du lịch chỉ giỏi hát karaoke!

TGĐ Thái Hà Book trăn trở
TGĐ Thái Hà Book trăn trở” Tại sao các hình ảnh trên bao lì xì là hoàn toàn Trung Quốc. Thậm chí nhiều bao lì xì còn có cả tranh ảnh của pháo, thứ đã bị cấm tại Việt Nam ta từ lâu?

Bao lì xì chứa tiền mừng tuổi, ý nghĩa là mừng cho người nhận có một năm mới may mắn, như ý. Bao lì xì được người nhận tiếp xúc qua mắt, tay, và thậm chí cả các giác quan khác. Bao lì xì nhân dịp đầu năm rất ảnh hưởng đến tiềm thức của chúng ta, cả người trao lẫn người nhận.

Nếu như chúng ta thiết kế bao lì xì có những hình ảnh của các danh lam thắng cảnh Việt Nam hay những di sản văn hóa thế giới đang có trên mảnh đất hình chữ S thì tuyệt biết bao. Nếu như chúng ta dùng những hình ảnh trong tranh Đông Hồ hay văn hoa Lý Trần – thời đại thịnh vượng nhất của dân tộc để đưa lên bao lì xì thì quý giá biết nhường nào.

64. Phản văn hóa

Phản văn hóa

So với thời chưa xa, việc đi nước ngoài giờ đây dễ như làm chút công chuyện nhà, thậm chí với không ít người còn thường xuyên như cơm bữa.

Đi để vui chơi, để mở mang tầm mắt, học hỏi cách làm ăn, lối cư xử ở xứ người. Và điều này là thực: rất nhiều du khách sau chuyến tìm tòi quan sát trên đất bạn đã mang về lời phàn nàn, nhưng không phải khó chịu về bạn mà vận vào ngay chính xứ mình, dân mình. Một người bạn tôi năm nào cũng qua Thái Lan, Campuchia bảo rằng đừng nói những chuyện chi xa xôi, chỉ cần thấy người ta ứng xử nơi công cộng mà thèm. Sao mình không làm được như vậy? Bạn tôi hỏi thế.

Câu hỏi đơn giản mà khó khăn ấy tôi chưa kịp giả nhời nhưng với những gì cọ xát hằng ngày quả thấy có những chuyện tưởng chừng nho nhỏ mà rất khó chịu, bực bội, làm tổn hại hình ảnh một đất nước và người dân vốn được coi là thân thiện, dễ mến.

Những hình ảnh phản văn hóa ta dễ thấy nhất trên các tuyến đường đô thị. Không ít lần tôi đã phải nén sự bực mình, thậm chí ghê tởm (đúng nghĩa) khi người chạy xe máy trước mình trên đường bất ngờ quay ngang và nhổ phì nước miếng, bắn cả vào mặt mũi, quần áo xe cộ người phía sau. Hoặc trong dòng người chậm chạp nhích từng tí lúc mưa lụt, triều cường, đôi khi vài chiếc taxi, xe máy xé nước băng băng lao tới trước bất kể tạt nước bẩn vào đám đông đang sững sờ không hiểu họ là loại người gì mà có hành vi như thế. Dễ bắt gặp hình ảnh đổ nước bẩn ra đường; vừa đi vừa ăn trái cây mặc sức xả rác; chạy xe máy nhưng vẫn nghe điện thoại có thể bất cẩn gây nguy hiểm cho người khác; dừng chốn giao lộ khi đèn đỏ nhưng vẫn phải cố nhích lên vượt qua vạch cấm hoặc leo lên lề; bóp còi inh ỏi, nói cười hô hố ngoài đường như chốn không người; chạy xe nhưng phì phèo hút thuốc; đeo bám du khách nước ngoài; tiêu tiểu bậy ngay cả chốn trang nghiêm… Nếu chỉ xét dựa vào những hiện tượng phản văn hóa đó, quả thực cuộc sống chả khác chi “bức tranh vân cẩu, con người tang thương”, thật đáng buồn, đáng sợ.

Tại sao người Thái dẹp được sự bôi bẩn cộng đồng mà chúng ta thì không? Thực ra không phải ta không làm được. Dư luận từng khen ngợi nếp sống đô thị đã tiệm cận văn hóa văn minh đang ngày càng phổ biến ở Đà Nẵng. Chính quyền TP.HCM nhiều năm qua cũng chỉ đạo cụ thể, quyết liệt việc xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng, quan tâm đến việc nhặt từng cọng rác trên đường, giữ sạch bức tường trong hẻm. Ngay cả động thái mới nhất vừa đây chính quyền T.Ư ra nghị định cấm và phạt những trường hợp nuôi chó thả rông ở đô thị… Tất cả đều nhằm mục đích từng bước xây dựng cho được, cho bền vững nền nếp văn hóa văn minh xã hội cộng đồng.

Vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất ở con người, mỗi con người. Xã hội là tổng thể do con người hợp thành. Sự hay dở, tốt xấu của xã hội phụ thuộc vào từng cá nhân. Một khi mỗi người tự ý thức được thái độ, trách nhiệm của mình phải thế nào cho phù hợp với sự phát triển chung thì có lẽ không cần lắm đến những quy định bắt buộc, biện pháp hành chính. Tham gia vào việc xây dựng nền nếp văn hóa thì chính mình sẽ được hưởng thành quả văn hóa đó. Hãy tẩy chay, “nói không” từ những việc nhỏ, những hành vi phản văn hóa kể trên. Không giải quyết xong việc nhỏ thì đừng mơ đến những gì lớn lao hơn.

Nguyễn Thông

54. Hát nuôi phần hồn, 11st October, 2012

Hát nuôi phần hồn

SGTT.VN – Một lần tham dự cuộc trò chuyện tại nhà GS.TS Trần Văn Khê, chị Song Anh bất ngờ khi nghe giáo sư nhắc lại một giọng hát ru mà ông từng được nghe qua đĩa Tiếng hát Việt Nam cách đây 55 năm (1957). Bởi người phụ nữ có giọng hát làm người ta nhớ mãi đó chính là mẹ chị: nghệ nhân Kim Nhuỵ. Buổi gặp gỡ đã làm thức dậy trong lòng những người có mặt bao tiềm thức được dưỡng nuôi bằng lời ru của mẹ.

Băng đĩa nước ngoài thay lời ru Việt

Trong một cuộc trò chuyện về âm nhạc dân tộc, GS.TS Trần Văn Khê tâm sự: “Sau khi tôi trở về nước vào năm 1976, tôi thực hiện một cuộc khảo sát từ Bắc chí Nam về âm nhạc dân gian, và giật mình vì đi đến đâu cũng thấy tiếng hát ru đã dần tắt trên môi các bà mẹ. Có lẽ vì hoàn cảnh, vì nếp sống mới, và vừa trải qua chiến tranh nên nhiều bà mẹ đã giảm dần thói quen hát ru cho con”.

những nhu cầu kinh tế đã choán hết thời gian của mẹ, phải lấy băng đĩa thay lời ru
những nhu cầu kinh tế đã choán hết thời gian của mẹ, phải lấy băng đĩa thay lời ru

Ngay khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể cảm thụ về thế giới xung quanh. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, giọng hát ru của người mẹ trong chín tháng thai kỳ chính là chất liệu hình thành nhân cách cũng như suy nghĩ, năng khiếu của đứa trẻ sau này. Khi trẻ chào đời, được mẹ hát ru sẽ giúp trẻ ngủ ngon và tình mẫu tử thêm khăng khít. Người mẹ ngày nay có đủ điều kiện để chăm sóc con mình thật tốt ngay từ khi phôi thai mới hình thành. Từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương tiện mới cũng phát sinh. Thay vì hát ru con ngủ, nhiều bà mẹ dùng những đĩa nhạc cổ điển phương Tây như Beethoven, Mozart… với suy nghĩ rằng âm nhạc sẽ làm trẻ thông minh hơn. Một lý do khác: những nhu cầu kinh tế đã choán hết thời gian của mẹ, phải lấy băng đĩa thay lời ru. Có những bà mẹ còn vô tư cho con thưởng thức đủ các luồng âm nhạc từ Hàn sang Âu, Mỹ.

Chẳng ai phản bác lợi ích của âm nhạc cổ điển, nhưng sao lại phải mượn nhạc Tây trong khi ở Việt Nam, trẻ em có riêng cho mình một tài sản âm nhạc quý báu, đó là hát ru? Hơn nữa, việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với nhiều thể loại nhạc mạnh như rock, dance sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ, nhất là giai đoạn thai nhi.

Mẹ cất tiếng ru, trẻ nâng tâm hồn

Nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ yêu tiếng hát ru đã thực hiện những cuộc tìm kiếm, sưu tầm hàng ngàn câu hát từ ba miền đất nước. Nhưng kết quả sưu tầm chỉ dừng ở việc lưu trữ tại các bảo tàng, thư viện, chưa được mở rộng vào công chúng.

Trong nhiều buổi trò chuyện, GS.TS Trần Văn Khê đã nhấn mạnh: bài hát ru là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên mà người mẹ truyền sang cho đứa con của họ. “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” – cùng lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể trẻ, điệu thi ca dân gian sẽ được rót vào tiềm thức giúp hình thành tình yêu thương, tự hào về quê hương đất nước. Sự tiếp cận này còn xây dựng cấu trúc âm thanh trong đầu đứa trẻ, để sau này dù đứa trẻ đó có tiếp nhận các nguồn âm nhạc nước ngoài, thì vẫn giữ được sự tôn trọng bản sắc của âm nhạc dân tộc mình.

Cũng có những bà mẹ ngại hát vì hát không hay, nên cho con nghe hát ru qua băng đĩa. Nhưng vấn đề cốt lõi là âm điệu mộc mạc từ chính lời ru của mẹ mới là mối tương giao yêu thương với đứa con. Theo GS Khê, đứa trẻ được mẹ hát ru tận nôi chính là đứa trẻ giàu tâm hồn và hạnh phúc nhất. Từ lời ru của mẹ, trẻ sẽ tự nâng tâm hồn mà hình thành nhân cách.

NGUYÊN CAO
Nguyễn Hoà Trung, 33 tuổi, Tân Bình, TP.HCM:

Hãy hát cho con nghe khi có thể

Có lẽ giờ đây hát ru đã trở thành xa lạ với nhiều bà mẹ trẻ, hoạ hoằn chỉ còn lại trên môi những người bà. Cũng không thể trách khi người ta có thể lựa chọn cho con mình một hình thức thai giáo tiện lợi hơn. Vợ chồng chúng tôi có nhiều cách cho con tiếp cận âm nhạc, thi thoảng vợ hoặc mẹ tôi cũng hát ru mấy đứa nhỏ khi chúng khó ngủ. Việc này ít thường xuyên bởi ai cũng bận rộn. Nhưng lúc cả nhà có tiếng hát ru thì không khí như ấm hẳn lên. Con gái đầu tôi đã vào lớp 2, và cháu rất thích được mẹ tập cho những bài hát mà khi còn trong nôi cháu từng được nghe. Khi bạn cất giọng hát ru thì cả một núi tình cảm chứa chan trong đó. Trẻ dễ nhận thấy lắm đấy, hãy làm nếu có thể.
Phan Huy Hạnh An, 30 tuổi, Q.1, TP.HCM:

Một câu hát mộc hơn trăm băng đĩa

Các bà mẹ trẻ hiện nay thường dùng nhạc hoà tấu cổ điển mở bằng CD cho con nghe từ trong bụng mẹ. Khi đứa trẻ được sinh ra, mẹ lại mở nhạc ru ngủ con chứ ít khi hát. Nếu có hát thì chắc chỉ là dòng nhạc trẻ, hoặc hát những bài nhạc thiếu nhi ngày nay chứ không “ầu ơ ví dầu” như xưa.

Phải đi làm để lo kinh tế, mẹ chỉ có thể dành nhiều thời gian cho con vào buổi tối và khi nào rảnh rỗi. Mẹ hát gì cho con nghe hoặc trò chuyện thủ thỉ cũng được, miễn là mẹ dành tình yêu trong lời hát và câu chuyện đó. Dù sao một câu hát mộc mà có hồn, còn hơn hàng trăm bài hát đĩa nhưng trống rỗng cảm xúc.