157. Tiệm rửa xe, nơi hội tụ những tấm lòng cao cả

(NLĐO)- Dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng với nghĩa cử cao đẹp họ cùng chung tay góp sức nấu hàng ngàn suất ăn mỗi tuần để phát miễn phí cho bệnh nhân tại các bệnh viện ở Đà Nẵng.

Vào một ngày mùa đông lạnh giá cuối năm 2017, tôi ghé thăm hội từ thiện của anh Phạm Phú Tiếng, nằm trên đường Lê Độ, TP Đà Nẵng. Nhìn từ ngoài vào, đó là một tiệm rửa xe rộng khoảng 5 mét, nhưng ít ai biết được rằng phía bên trong là biết bao trái tim của những người giàu tình yêu thương dành cho người bệnh và người nhà của bệnh nhân tại các bệnh viện ở thành phố bên bờ sông Hàn.

tiem_rua_xe
Anh Tiếng trực tiếp tham gia nấu các suất ăn

Đến với hội bằng tấm lòng thiện nguyện

Đi sâu vào trong tiệm xe là hình ảnh của những con người đang quần quật làm việc các món ăn chay đã nấu xong bày ra để chuẩn bị cho vào hộp.

Từ sáng sớm, người chủ hội đã phải đi chợ mua rau củ quả, gia vị… Sau đó, các thành viên tới làm sạch, cắt gọt rau, củ, quả; rán đậu phụ; nấu luộc nui, kho, chiên các món. Đến khoảng 14 giờ, mọi người trong hội tới cho các món ăn đã nấu chín vào hộp để chuẩn bị đưa tới các bệnh viện.

tiem_rua_xe2
Các thành viên của hội đang chuẩn bị các món ăn

Anh Tiếng, chủ hội từ thiện, cho biết hội đã thành lập được 9 năm, số lượng thành viên không cố định và đến bằng sự tự nguyện với mong muốn giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. “Mục đích của nhóm là chia sẻ, giúp đỡ cho những người nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng có bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng”, anh Tiếng chia sẻ.

Dù mỗi người đều có công việc bận rộn, nhưng trên môi của các thành viên không ngớt những tiếng cười, tiếng hỏi thăm nhau sau một tuần gặp lại. Điều đó làm cho họ quên đi cái mệt nhọc, sự lạnh giá của mùa đông.

tiem_rua_xe3

Các chú xe ôm cũng tình nguyện chuyển cơm tới bệnh viện

Là người nấu các món ăn cho hội, bà Sáu chia sẻ: “Tôi đã tham gia hội từ những ngày đầu thành lập, tính đến nay cũng được gần 9 năm. Khi anh Tiếng có lời mời nhờ giúp nấu cơm từ thiện cho hội, tôi đã đồng ý. Đứng nấu suốt cả ngày từ sáng tới chiều hai bờ vai đau và mỏi lắm, nhưng một chút là khỏe lại liền, vì được cống hiến, giúp đỡ cho nhiều người là niềm vui của tôi”.

Được biết, gia đình bà Sáu cũng nằm trong diện khó khăn, bà làm nghề bán đậu hũ để nuôi các con ăn học. Nhưng với trái tim đầy tình thương đã không ngăn được đôi chân tiến bước, sẵn sàng giúp đời của bà.

Đến với hội từ thiện này, mỗi người đều có việc làm: Người thì bỏ cơm vào hộp, người bỏ rau xào, đóng hộp vào giỏ đựng cơm,… Dù làm liên tục, trán lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng trên gương mặt của họ luôn ánh lên niềm hạnh phúc vì phần nào đó giúp đỡ được người có hoàn cảnh khó khăn.

tiem_rua_xe4
Phát cơm miễn phí cho thân nhân tại bệnh viện

Anh Nguyễn Hoàng Thế Hiển chia sẻ: “Thật vui khi làm việc chung với hội, tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa. Tôi đã được trải nghiệm sự cực nhọc, vất vả cùng tất cả mọi người, nhưng nó không là gì cả vì ai ai cũng luôn nở nụ cười trên môi, xóa tan đi cái nhọc nhằn đó”.

Niềm vui của người nhận

Sau khi hoàn thành các hộp cơm, mọi người trong hội cùng nhau phát cơm cho các bệnh nhân và người nhà của họ tại các bệnh viện. Người tới chở cơm không ai khác đó là những bác lái xe ôm. Bằng tấm lòng thành muốn góp công sức chung với hội, dù bận rộn với công việc để nuôi sống gia đình, nhưng các bác vẫn dành thời gian để giúp hội chở những hộp cơm yêu thương tới bệnh viện.

tiem_rua_xe5
Người nhà và bệnh nhân xếp hàng nhận cơm miễn phí

Lần theo những chiếc xe ôm tới Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, tôi cảm nhận được ánh mắt vui mừng của các bệnh nhân và người nhà khi đoàn xe tới. Họ xếp hàng ngay ngắn, thành một hàng dọc chờ nhận cơm. Mỗi người một hoàn cảnh, tôi thấy hình ảnh một người mẹ đã già yếu đang chăm con trai bị tai biến, nghe đoàn xe đến cũng vội vã từ tầng 4 xuống nhận cơm cho con; người mẹ khác thì vào chăm con còn nhỏ bị u não… Với những suất cơm miễn phí nhận được từ hội, họ cảm thấy được an ủi, thông cảm phần nào; dù đời mình có khó khăn, vất vả nhưng vẫn còn nhiều người bên cạnh giúp đỡ.

Cô Phan Thị Huệ, bệnh nhân người Quảng Nam đang điều trị tại bệnh viện đa khoa, cho biết cô bị thận đã 3 năm nay nên việc ăn uống khó khăn. Dù ăn ít, nhưng khi nhận được cơm của hội, cô vẫn cố gắng ăn cho hết, bởi đây còn là tấm lòng hảo tâm của những người tốt giúp đỡ mình, mình nên biết ơn họ.

tiem_rua_xe6
Các bệnh nhân không đi nhận cơm cũng được thành viên đưa đến tận nơi

Ngoài ra, hội còn phát cơm tại một số bệnh viện khác như Bệnh viện Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Hoà Vang, Bệnh viện Liên Chiểu. Những bệnh nhân nào ốm đau, không đi lại được thì được các thành viên trong hội mang tới tận giường bệnh.

tiem_rua_xe7
Niềm vui của bệnh nhân và người thân khi được sự quan tâm của hội

Anh Tiếng chia sẻ lúc mới thành lập hội phát 85 suất cơm mặn vào mỗi tháng, nhưng sau khi thử nấu cơm chay thì số lượng lại được nhiều lên gấp đôi. Mọi người ăn ai cũng khen cơm ngon nên hội quyết định nấu cơm chay mỗi tuần và phát vào chiều thứ hai với số lượng cố định là 800 suất. Nhưng khi có nhiều người ủng hộ thêm thì nấu với số lượng tăng lên 1200 – 1500 suất. “Khi phát cơm tại các bệnh viện, tôi nhờ những người trong hội tới phát, còn tôi đi hỏi thăm những người ăn cơm xem họ cảm thấy thế nào, có ngon miệng không, như vậy đã ăn vừa chưa? Qua những lần như vậy giúp tôi rút kinh nghiệm cho lần nấu sau” , anh hội trưởng Tiếng tâm sự.

Trái tim của những người trong hội luôn mang trong mình sự nhiệt huyết, hăng say giúp ích cho đời, cho người. Dù mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ luôn tin yêu, lạc quan trong cuộc đời. Nhờ đó mà những bữa cơm đến với bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân luôn đầy đủ, ấm áp. Hy vọng rằng những tấm lòng này sẽ luôn vững vàng và ngày càng lan tỏa để tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu thương.

Khánh Hồng (Báo Người Lao Động)

152. Quay ngược thời gian với cà phê không wifi giữa lòng Đà Nẵng

(NLĐO)- Hãy chậm lại và quay ngược thời gian với cà phê không wifi “80s” giữa lòng TP Đà Nẵng để cảm nhận được những điều thú vị của cuộc sống.

 

Những ngày cuối năm, giữa phố thị xô bồ, vội vã, giữa bộn bề công việc cuộc sống, đôi khi ta chỉ mong vài khoảnh khắc yên tĩnh ở cà phê không wifi 80s để bên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa cũ, những hoài niệm về tuổi thơ gắn bó và những tâm sự buồn vui của cuộc đời.

Quán không có wifi

Quán nằm trên đường Nguyễn Sinh Sắc, trung tâm quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến tối, mặc dù mới chỉ mở được 8 tháng nhưng đã thu hút được lượng khách khá đông. Không gian đơn giản nhưng tinh tế với diện tích khá rộng, lên đến 500 m2. Thoạt nhìn nơi đây chẳng khác gì căn nhà 3 gian xưa với đầy đủ dụng cụ sinh hoạt của những năm thập niên 80. Đó là những món đồ nhỏ hoài cổ được chủ nhân sưu tập khắp mọi nơi và dụng tâm bài trí. Những chiếc gạc-măng-rê; đèn dầu, máy cát-sét; tivi trắng đen, từng chiếc ghế gỗ, sạp giường và cả tiếng radio rọt rẹt,… Tất cả trở thành “đặc sản” không thể thiếu khi đến đây.

Sở dĩ quán có tên “80s” cũng bởi xuất phát từ ý tưởng lấy bối cảnh những năm 80 thế kỷ trước nhằm khuyến khích và hướng khách hàng tìm đến sự mộc mạc, chân tình. Những mặt hàng bày bán tại quán và thức uống cũng hết sức quen thuộc, gợi nhớ đến tuổi thơ với những gói bánh tai heo, phồng tôm, xí muội,…

cafe_khong_wifi
Các bạn thanh niên cũng tìm đến cà phê không wifi 80s để được trò chuyện

Đặc biệt, điểm thú vị nhất và thứ làm nên màu sắc riêng nhất cho “80s” đó là tấm bảng treo đơn giản, đập vào mắt khách hàng khi vừa bước chân vào: “Quán không có wifi. Hãy ngồi và nói chuyện như những năm 80”. Đây chính xác hơn là một slogan và là điểm nhấn thu hút khách. Tấm bảng được đặt vị trí trung tâm quán và ngầm xem như một “nội quy” giúp người ta đến đây không phải để dùng wifi mà để thưởng thức cà phê một cách đúng nghĩa. Bởi bây giờ, đi bất cứ đâu mối bận tâm lớn nhất của đa số chúng ta là phải có wifi, phải là internet. Chúng ta bị lệ thuộc và chi phối bởi điều đó khi những cuộc hẹn hò, đi chơi, cà phê tán gẫu cùng bạn bè mà trên tay ai cũng cầm điện thoại, ipad để lướt Zalo, Facebook,… Dần dần, việc ngồi với nhau để chia sẻ trở nên khó khăn hơn, chúng ta ngại ngùng nhau những câu chuyện thực và đắm chìm vào thế giới ảo.

cafe_khong_wifi2
Đến cà phê không wifi để tìm sự tĩnh lặng

Ngoài ra, bạn sẽ còn được nhìn thấy nhiều tấm biển hiệu, những câu slogan vui khác ở quán như: “Ngồi im tình yêu sẽ tới”, “Có bán ký ức” hay “Đi mà sống”,… Menu quán được viết tay đơn giản với thức uống giá rẻ, chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng. Đặc biệt bên dưới điền dòng chữ ngay ngắn: “Không sử dụng điện thoại giảm 3k/bàn” như một thông điệp gửi đến khách hàng.

Quay ngược thời gian

Sinh năm 1995, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chàng trai 9x Nguyễn Xuân Đức, chủ nhân của quán cà phê đặc biệt này, cho biết anh đã nung nấu ý định mở mô hình cà phê này từ khá lâu. Vốn là người yêu thích những điều dung dị, xưa cũ, yêu mến những nét văn hóa xưa và muốn được tái hiện chúng, anh đã bắt tay vào việc tìm kiếm những vật dụng sinh hoạt của những thập niên thế kỷ trước. Những chiếc radio, máy cát-sét, hay gạc-măng-rê đựng chén bát,… được anh cất công, lặn lội sưu tập tại Huế, Đà Nẵng và thậm chí là Sài Gòn. “Có những cổ vật tuổi đời lên đến 100 năm tuổi, nhiều khách hàng đến hỏi mua nhưng tôi nhất quyết không bán, vì đó là tâm huyết và cũng là đam mê của mình, đó cũng là lý do 80s ra đời”, anh Đức nói thêm.

cafe_khong_wifi3
Nguyễn Xuân Đức, chủ nhân của quán cà phê đặc biệt này

Về tấm bảng “Ở đây không có wifi”, anh chia sẻ: “Nhiều bạn bè của tôi khi nghe ý tưởng này tỏ ra rất ngạc nhiên và tỏ vẻ không đồng tình bởi trong xu thế bùng nổ thông tin hiện nay, wifi là yếu tố hàng đầu và là ưu thế để thu hút khách hàng vậy mà mình lại lựa chọn bỏ đi ưu thế này. Bản thân mình trước đây cũng đã từng kinh doanh thức uống, khách hàng chủ yếu là những bạn trẻ và họ đến đây để mỗi người cầm một cái điện thoại, như vậy vô tình đã mất đi những cuộc trò chuyện dông dài, những chia sẻ, cử chỉ thâm tình. Cái cảm giác không được như những thập niên trước nên mình mở quán này để mong kết nối mọi người đến gần với nhau hơn”.

cafe_khong_wifi4
Những câu đơn giản mà ý nghĩa

Chỉ trong vòng 8 tháng, mô hình cà phê không wifi này đã nhận được nhiều sự đồng tình và đánh giá tốt của khách hàng. Chị Hoàng Vân, một khách quen của quán, tâm sự: “Không gian quán tạo sự thoải mái như đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Vui vẻ thoải mái tách biệt với thành phố nhộn nhịp đầy khói bụi. Đặc biệt quán không phục vụ wifi cũng chẳng khuyến khích sử dụng điện thoại. Tới đây chỉ trò chuyện nói nhau nghe những câu chuyện mười mấy năm về trước, nghe nhạc Trịnh, ăn miếng bánh nhâm nhi tách trà. Bình dị vậy thôi nhưng lòng ta an yên là được”.

 

Thiết nghĩ, trong đời sống ồn ào nhộn nhịp, đôi khi con người ta mãi bị cuốn theo vòng quay cơm, áo, gạo, tiền, với những toan tính thiệt hơn. Những quán cà phê như 80s là địa điểm thích hợp giúp ta quay ngược thời gian trở về quá khứ, để ghi nhớ bản thân mình là ai hay đơn giản chỉ trong một ngày mệt mỏi với cuộc sống, đó sẽ là chốn yên bình để ta tránh xa khỏi bụi đời.

Tùng Lâm (Báo Người Lao Động)

151. Những con hẻm đầy ký ức của dân Cà Mau

Ở Cà Mau, trước khi có tên chính thức về mặt hành chính, các con hẻm được người dân tự đặt tên và gọi truyền miệng riết thành quen.
Trong muôn vàn con hẻm ở Việt Nam, không con hẻm nào giống con hẻm nào và tên gọi của từng con hẻm cũng khác nhau. Ở Cà Mau cũng vậy, trước khi có tên chính thức về mặt hành chính, các con hẻm được người dân tự đặt tên và gọi truyền miệng riết thành quen.

Có hẻm được đặt theo nghề, có hẻm đặt theo tên người hoặc tên cơ sở thờ tự. Có hẻm tên nghe lãng mạn, nhưng cũng có những hẻm tên nghe tự nhiên, mộc mạc, thoáng nghe tên đã biết thành phần cư dân trong hẻm. Bây giờ, mặc dù hầu hết các con hẻm đều được đặt tên chính thức, nhưng dân gian vẫn gọi theo tên tự phát thuở ban đầu và theo sau cái tên đó là một quá trình lịch sử với ít nhiều nét văn hoá cộng đồng của người dân Nam Bộ.

Hẻm ở Cà Mau không nhiều, nhưng tất cả đều chất chứa trong lòng biết bao chuyện đời, chuyện tình. Hẻm chùa Tịnh Độ thuộc Khóm 2, Phường 5, TP Cà Mau còn có tên gọi là hẻm Xóm Bắp, vì cư dân trong hẻm hầu hết đều bán bắp luộc, trong đó có những người “lái bắp” từ miệt Phụng Hiệp, Cần Thơ về Cà Mau. Nghề bán bắp ở đây có từ sau ngày giải phóng. Bắt đầu từ bà Ba Mạo tới bà Mười Na, bà Huệ, hiện nay là ông Hồ.

hem_ca_mau
Minh họa: Minh Tấn

Đa phần người bán bắp luộc ở TP Cà Mau đều lấy bắp từ đây. Thời cao điểm còn phát sinh ra nghề luộc bắp mướn. Do phải đi bán từ sớm mà bắp thì phải luộc vào lúc 2-3 giờ sáng, nếu tự luộc thì sáng không đi bán nổi nên phải thuê người luộc. Ban đầu người ta còn gánh đi bán, sau này chuyển sang đẩy xe đỡ tốn sức hơn, từ đó xuất hiện thêm nghề cho thuê xe đẩy.

Kết nối trực tiếp với hẻm Xóm Bắp là hẻm Công Đoàn, hay còn gọi là hẻm Bưu Điện. Tuổi thơ của tôi gắn chặt với con hẻm này, xem nó như một phần máu thịt của mình. Tôi thích nhất là vào dịp rằm tháng Bảy với lễ cúng cô hồn. Vào dịp này, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau đi từ đầu xóm đến cuối xóm để chờ “giựt giàn”.

Đón Tết Trung thu, cả bọn rồng rắn cầm lồng đèn vừa đi vừa hát, đến khi “mỏi gối chồn chân”, mạnh ai nấy về nhà. Tết Nguyên đán là dịp thoả sức tung hoành, được mặc đồ mới đi lòng vòng để khoe với những đứa khác trong xóm. Cái vui của 3 ngày Tết là đi lượm những viên pháo chưa nổ kịp, rơi xuống đất. Khi tiếng pháo vừa dứt, cả đám lao vào giật lấy.

Những ngày thường cả bọn tụ tập chơi đánh đáo, tạt lon, bắn cu li, đá cá lia thia… và nhiều trò nghịch ngợm khác. Có lúc hứng chí lên, kéo đi đánh nhau với bọn trẻ xóm khác để chứng tỏ xóm mình “không phải dạng vừa đâu”.

Ký ức về con hẻm thân thương của tôi còn là tiếng rao hàng vào buổi sáng. Khó mà diễn tả được hết những âm thanh cao thấp, lên xuống của cả nam lẫn nữ pha trộn nối tiếp nhau văng vẳng vào nhà, tựa như bài đồng ca thôi thúc mọi người đón chào ngày mới.

Hẻm Mây Hồng được đặt theo tên quán cà phê Mây Hồng ở đầu hẻm. Thập niên 80, Mây Hồng là một trong những quán cà phê được nhiều người biết đến với phong cách thời thượng. Trong quán bày trí ảnh của các ban nhạc nổi tiếng như: ABBA, Rolling Stones, Bee Gees… Cà phê thì có cà phê phin và cà phê pha vợt. Khách vào quán uống cà phê thả hồn theo khói thuốc, thưởng thức tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ nào đó được phát ra từ chiếc máy Akai hay “đầu câm” qua cặp loa mặt võng. Thế là cũng thoả được cái thú mê nghe nhạc – thời điểm này Cà Mau rất hiếm quán cà phê nhạc.

Do nằm đối diện với dãy vựa cá nên hẻm Mây Hồng còn có tên là hẻm Vựa Cá. Đây là vựa cá quốc doanh, thu gom cá từ miệt Thanh Tùng, U Minh để đưa đi tiêu thụ ở TP HCM. Thời hoàng kim của con cá đồng, người dân trong hẻm Mây Hồng phần lớn sống nhờ vào hoạt động của vựa cá. Cánh đàn ông bốc vác, vận chuyển cá, phụ nữ thì tham gia sơ chế cá chết để làm khô, làm mắm. Đầu và lòng cá lóc bỏ ra họ xin về giao cho bọn trẻ đem đi bán trong xóm để kiếm thêm thu nhập.

Hẻm Lâm Hồng bên hông cầu Cà Mau thông với hẻm Mây Hồng và các hẻm khác tại miễu Bà Chúa Xứ nên có tên gọi là hẻm Xóm Miễu. Cư dân trong hẻm làm đủ thứ nghề: thợ may, vẽ tranh, vá dép, bán cà phê, hàn thùng, bán rắn rùa… Hai dãy nhà đối diện nhau nên khi có chuyện gì chỉ cần đứng trước cửa nói vọng qua là bên kia đáp lời ngay. Trong hẻm muốn nghe nhạc, một nhà mở là cả xóm cùng nghe, nhưng khổ nhất là khi có chuyện lời qua tiếng lại thì cả xóm cũng bị tra tấn.

Miễu Bà Chúa Xứ trong hẻm được nhiều người truyền khẩu là rất thiêng nên thường xuyên có nhiều người đến dâng hương. Nhưng xôm tụ nhất vẫn là lễ hội cúng Bà vào ngày 16/2 âm lịch hằng năm. Trong dịp này, ngoài phần lễ, người ta còn tổ chức múa bóng vừa mang tính chất nghi lễ, vừa mang tính chất giải trí. Người đến xem rất đông, không chỉ trong hẻm mà còn có ở các nơi khác. Hoạt động này cũng đã thể hiện được nét đẹp trong văn hoá tâm linh của người Việt mà các cư dân Xóm Miễu là những người đại diện.

Hẻm Ông Dú đá đậu dài không quá 10 m, nằm cặp với Kim Hoà Viên Chùa Bà, Phường 2. Hẻm là đường dẫn ra bến đò đưa rước khách sang sông giữa Phường 2 với Phường 7 và Phường 8. Cư dân trong hẻm chỉ 4-5 thành viên của một gia đình. Người dân và các thế hệ học sinh ở TP Cà Mau hầu như ai cũng biết hẻm này, vì trong hẻm có quán đá đậu của ông Dú.

Quán tồn tại gần 50 năm, chủ nhân là một người Hoa. Quán đơn sơ chỉ với chiếc xe đá đậu và vài bộ bàn ghế được kê dọc theo con hẻm, vào giờ tan học hầu như không còn chỗ trống. Đá đậu của ông Dú được học sinh khoái khẩu vì vừa ngon, vừa hợp túi tiền.

Ly đá đậu của ông Dú không có gì là “cao lương mỹ vị”, chỉ vài ba cọng chuối khô xắt mịn, một ít bột báng, vài miếng khóm ngào đường, hai ba muỗng đậu xanh, đậu đỏ hoà chung với nước cốt dừa và cho đá bào vào. Chỉ có vậy thôi, nhưng nó gần như trở thành chất gây nghiện đối với các thế hệ học sinh. Có những người xa quê nhiều năm, giờ trở lại quán kêu một ly đá đậu ngồi đó ngắm nhìn xe đá đậu và chủ nhân của nó, để bùi ngùi hồi tưởng lại thầy cô, bạn bè và biết bao kỷ niệm vui buồn của thời áo trắng.

Hẻm Chiều Cuối Tuần ở Phường 2 là con hẻm thông nhau giữa hai đường Phan Đình Phùng và Lý Thái Tôn. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, giữa hẻm có một quán cà phê tên Chiều Cuối Tuần. Quán là điểm đến để các cặp đôi yêu nhau “tâm sự loài chim biển” và thề nguyền hẹn ước. Quán là một cái sân rộng với vài bộ bàn ghế được che chắn bằng những chậu kiểng.

Có thể xem quán Chiều Cuối Tuần là một trong những quán tiên phong trong việc phục vụ các cặp tình nhân. Rời quán Chiều Cuối Tuần có những cặp không thành và cũng có những cặp kết tóc se duyên. Dù có nên vợ nên chồng hay không thì quán Chiều Cuối Tuần vẫn là nơi đáng ghi nhớ của thời tuổi trẻ yêu đương mơ mộng.

Trong các con hẻm ở Cà Mau, hẻm Xóm Kiếp là “lẫy lừng” nhất. Bởi thời “hưng thịnh” (thập niên 90 và đầu những năm 2000), hầu hết cư dân trong hẻm (khoảng 50 hộ) đều là dân “anh chị” sống bằng cờ bạc và ma tuý. Thời ấy, Xóm Kiếp được xem là khu “tự trị” bởi ít có ai dám bước chân vào.

Cuối hẻm giáp với bờ sông Gành Hào, nếu ai có việc đi ngang hẻm thì cứ đường thẳng mà bước, còn nếu ngó ngang ngó dọc thì ăn đòn như chơi. Người ta nói dân trong hẻm Xóm Kiếp rất khó bị bắt bởi hầu hết vách các ngôi nhà đều thông nhau. Khi công an ập vào nhà đầu hẻm thì đối tượng đã lần vách chạy tới cuối hẻm rồi. Gần như 100% cư dân trong hẻm đều không học hành, không hộ khẩu và không nghề nghiệp. Tên Xóm Kiếp được hình thành là do bao thế hệ sinh sống ở đây đa phần đều mang kiếp nghiện ngập, kiếp đỏ đen…

Với quyết tâm làm thay đổi diện mạo hẻm Xóm Kiếp, ngoài việc truy quét, ngăn chặn các tệ nạn, chính quyền địa phương đã đặt tên hẻm là Bình Minh. Mong muốn đó phải đến vài năm sau mới thành hiện thực. Hiện nay tệ nạn xã hội đã được đẩy lùi đến hơn 90%, người dân trở lại làm ăn đàng hoàng, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngoài những hẻm nêu trên, có một con hẻm ở Phường 8 tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng khi nhắc đến ai cũng phì cười và những cư dân trong hẻm đều e ngại khi giới thiệu nơi ở của mình với người khác, đó là hẻm Heo Nọc. Hẻm Heo Nọc nổi tiếng đến mức khi ở bất kỳ nơi đâu trong TP Cà Mau, hễ kêu xe ôm chở về hẻm Heo Nọc là được đưa tới nơi, tới chốn.

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì trong hẻm này có một gia đình làm nghề dắt heo nọc đi gây giống. Hẻm Heo Nọc giờ không còn nữa, vì đã được mở rộng thành đường lớn, nhưng cái tên của nó vẫn còn rất nhiều người nhớ đến, đặc biệt là cánh xe ôm. Nhớ đến nó, người ta cũng nhớ đến một thời kỳ khốn khó – thời bao cấp – cái thời mà người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo để cải thiện kinh tế gia đình.

Cuộc sống ngày càng hoà mình vào trào lưu của thời đại, đô thị hoá càng phát triển. Từ Dự án LIA, hầu hết các con hẻm ở nội ô TP Cà Mau đều được mở rộng khang trang, sạch đẹp. Cái hồn của từng con hẻm đã đổi khác rất nhiều, nhưng hình ảnh thân thương của ngày xa xưa vẫn còn trong tiềm thức.

 

Theo HOÀNG HẢI (Báo Cà Mau)

144. Di sản tình người và câu chuyện bình trà miễn phí

Di sản tình người và câu chuyện bình trà miễn phí

Ở Sài Gòn, mấy chục năm nay, người ta quen với hàng trăm bình trà miễn phí trên khắp nẻo đường của thành phố. Bởi vì, dẫu là thành phố đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đóng góp ngân sách, nhưng ở đây cũng có hàng trăm ngàn người nghèo, mỗi ngày vẫn mưu sinh trên hè phố.

Chủ nhân bình trà từ thiện trên đường Điện Biên Phủ (P.Đa Kao, Q.1) thêm trà đá vào bình để “tiếp sức” cho người đi đường - Ảnh: Bùi Chiến
Chủ nhân bình trà từ thiện trên đường Điện Biên Phủ (P.Đa Kao, Q.1) thêm trà đá vào bình để “tiếp sức” cho người đi đường – Ảnh: Bùi Chiến

Lúc nhỏ, mỗi lần ốm đau là hay bị đưa đi “nhà thương”. Lớn chút, tôi hay thắc mắc mẹ cha, người ta ghi là bệnh viện, cớ sao lại gọi là nhà thương? Cái mới được người lớn giải thích rằng, trước giải phóng, quen gọi là nhà thương, vì có bệnh, vô đó có người lo, chăm sóc, không phải tốn tiền. Vậy thôi, mà quen nếp gọi bệnh viện là nhà thương cho đến bây giờ. Ngày nay, bệnh viện, bất kể công tư, không còn là nhà thương nữa, nhưng đổi lại, tình thương vẫn còn đầy trong xã hội, các quỹ từ thiện của đoàn thể hoặc tự phát trong nhân dân, vẫn ngày đêm tiếp tục công việc giúp đỡ những người nghèo không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí để chữa chạy, thậm chí là lo đến nghĩa tận nếu ai đó không còn cơ hội hồi dương.
Ở Sài Gòn, mấy chục năm nay, người ta quen với hàng trăm, hàng ngàn bình trà miễn phí trên khắp nẻo đường của thành phố. Biết sao không? Dẫu là thành phố đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng góp ngân sách, nhưng ở đây cũng có hàng vạn, hàng trăm ngàn người nghèo, mỗi ngày vẫn mưu sinh trên hè phố.
Bạn tưởng tượng, giữa những con đường hun hút, nắng rát mặt, người xe ôm hay chị ve chai bắt gặp một bình trà đá miễn phí, chỉ một ngụm đủ tiếp sức cho đoạn đường tiếp theo trong hành trình mưu sinh. Mấy năm gần đây, những quán cơm 2000 đồng phát triển rộng khắp, là tín hiệu tốt lành cho truyền thống lá lành đùm lá rách. Cơm 2000 đồng và trà đá miễn phí không làm người nghèo khá hơn, nhưng giúp họ đi qua giai đoạn khó khăn của đời người, cho họ thấy tình người vẫn còn quanh.
Không chỉ người dân ý thức được việc làm thiện nguyện, mà ngay cả lãnh đạo thành phố cũng là những người tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố nghĩa tình, là nơi đầu tiên khởi phát phong trào xây dựng nhà tình nghĩa – tình thương mà sau này lan rộng ra cả nước.

Cách đây mấy năm, có một quy định làm bức xức người dân, đó là đóng góp từ thiện phải thông qua các đoàn thể có tính chất nhà nước (cụ thể là thông qua Mặt trận Tổ quốc), thế nhưng, người dân vẫn làm theo cách của họ, vẫn công khai hoặc âm thầm đóng góp, cứu trợ hiệu quả nhiều trường hợp đáng thương trong xã hội.
Ở Sài Gòn, nếu bạn sống chừng vài năm, sẽ cảm thấy những bình trà miễn phí trên các nẻo đường là hết sức bình thường, nó như là một điều mặc nhiên mà người dân làm cho nhau. Thậm chí, một số cơ quan công quyền cũng tham gia đóng góp các máy uống nước, các bình trà miễn phí, coi đó như là nét đẹp tự nhiên của người dân Sài Gòn.
Người Sài Gòn không sợ chính quyền địa phương tịch thu các bình trà miễn phí chỉ vì chưa xin phép, hay gây cản trở lưu thông. Ở Sài Gòn, kẹt xe xảy ra thường xuyên nhưng chưa từng có bất kỳ vụ kẹt xe nào do tranh nhau uống trà đá miễn phí. Người Sài Gòn chỉ sợ ăn cắp vặt, vì vậy bình trà miễn phí nào bằng inox thì có thêm sợi dây để ràng vào gốc cây hay trụ điện.
Có một sự kiện, người viết nêu ra, tưởng rằng không liên quan đến sự kiện trà đá miễn phí, đó là sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người Mỹ đã tỏ rõ quan điểm tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị của Việt Nam, vì vậy, nếu ai đó viện dẫn pháp luật Mỹ hay các chính sách của nước ngoài để cho rằng việc cấm trà đá miễn phí là hợp lý, hợp luật thì quả là hết sức kỳ cục và khôi hài.
Ở các nước phát triển, chính sách phúc lợi, cứu trợ rạch ròi, nhà nước đảm bảo để công dân của mình có thể tồn tại, có cơ hội để phát triển, hòa nhập. Ở Việt Nam ta, có một khái niệm rất hay là “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Có những cái nhà nước không kham nổi thì người dân cùng chung tay xốc vác, cùng kiến tạo, cùng lá lành đùm lá rách., Chính vì vậy mà 70 năm trước, chúng ta có “tuần lễ vàng”, người dân ủng hộ, đóng góp tài sản một cách nhiệt tình, vô tư để góp phần xây dựng một nhà nước đang còn non trẻ tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Trong một tác phẩm của nhà văn Võ Đắc Danh, nội dung đại ý rằng, ở phương nam, không có thứ luật lệ nào cao hơn Đạo Lý, đó là sự tôn trọng, là tình người, là sự tương hỗ lẫn nhau để cùng sống, cùng giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn, đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cuối cùng, người viết chỉ xin nhắc lại định nghĩa của từ “di sản”, theo từ điển Tiếng Việt, đó là tài sản còn lại, cả vật chất lẫn tinh thần, nếu ta không vun xới, không giữ gìn thì di sản cũng sớm tiêu biến vào thinh không, kể cả di sản tình người.
Tuệ Hoan

Phỏng vấn bình trà đá miễn phí

– Xin chào bạn! Vì sao bạn lại ra đứng vỉa hè gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị và khiến nhiều người xốn mắt dữ vậy?
– Xin lỗi, bạn có bao giờ ra đường vào lúc nắng nóng và bị khát cháy cổ chưa? Và nếu bạn có tiền để vào quán giải khát thì chúng ta… kết thúc ở đây nhé!

– Bạn có vẻ chảnh nhỉ! Ờ, tui có đi nắng, có khát cháy cổ và thỉnh thoảng cháy túi lúc đó.

– Ô kê, vậy ta tiếp tục. Xuất phát từ những tình huống như bạn từng gặp nên chủ nhân phái tui ra đứng vỉa hè cùng người bạn thân ly nhựa để phục vụ những người như bạn.

– Ông chủ của bạn là ai, tên gì, ở đâu?

– Có nhất thiết phải biết điều này không? Nếu không, ta nên tiếp tục.

– (Nhủ thầm: Lại chảnh nữa!) Ô kê, vậy bạn có thấy việc bạn đứng đó gây cản trở giao thông không?

– Tui chưa thấy có người nào tông thẳng vào tui khi đi đường cả, “lịch sử” tai nạn giao thông cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị tai nạn do né tránh tui cả. Cả những người phải dùng gậy dò đường để đi cũng chưa từng va vào tui.

– Vậy bạn có thấy người bạn ca nhựa, ly nhựa của bạn có thể khiến nhiều người lây bệnh vì xài chung không?

– Rất có thể những người khấm khá sẽ nghĩ như vậy. Nếu thế, có lẽ những quán cơm bình dân đã là ổ dịch hoặc bệnh viện là chốn đe dọa hàng triệu người nuôi và thăm bệnh rồi.

– Ô kê, vậy bạn có nghĩ bạn đứng đó khiến đô thị trở nên xấu đi không?

– Có thể, nhất là những “thánh phán” trên bàn phím, những người tự nhận mình là “Tây học”. Còn trong mắt bà con lao động nghèo, tui là người bạn đường thân thiết của họ.

– Xin hỏi câu cuối, vậy ai là ông chủ của bạn?

– Lòng Tốt; bí danh: Bao Dung; địa chỉ: Sài Gòn; chi nhánh: Các phố thị miền Nam, chi nhánh mới mở: Hà Nội.

– Xin cám ơn bạn.

NGƯỜI SÀNH ĐIỆU thực hiện

Một lời khinh

Không phải lúc nào cũng có, chuyện một truyền thống tốt đẹp từ miền này lại lan được sang miền khác, nếu như truyền thống đó không thuyết phục được lòng người.

Những bình trà đá rất đỗi quen thuộc ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung từ cả thế kỷ nay, đột nhiên bỗng trở thành sự kiện lớn ở Hà Nội – cái nôi cao đẹp của văn hoá xã hội chủ nghĩa.

Sự cho đi với tha nhân, không toan tính đột nhiên bị các nhóm trật tự đô thị, dân phòng… ập đến tịch thu không có một mẩu biên lai. Họ nói những bình trà đá nhỏ nhoi đó làm mất trật tự đô thị, điều mà ai cũng phải ngạc nhiên, so với những những quán chè nước, cà phê ở trung tâm đô thị vốn đã cống nạp tiền làm ăn cho các khu vực, thì vẫn được hoạt động tràn xuống mặt đường.

Một cô bạn Hà Nội nhắn với tôi, thật ngắn gọn, về câu chuyện những bình trà đá miễn phí bị tịch thu đó: “thật khốn nạn!”.

Không phải lúc nào văn minh và nhân ái cũng được tiếp nhận. Việc tịch thu trà đá miễn phí ở Hà Nội nhắc cho người ta nhớ chuyện những vị linh mục truyền giáo tìm đến những vùng mọi rợ với ước mơ xây dựng điều tốt đẹp, đã bị giết và hò reo ăn thịt ngay tại chỗ. Không khác gì.

Một tác giả nào đó viết rằng những người cho khách qua đường uống nước miễn phí, cần phải bị phạt nặng vì gieo rắc truyền nhiễm cho mọi người, là thiếu ý thức và thiếu văn minh.

Nghe thoạt đầu có vẻ như hợp lý, nhưng soi rọi tận cùng, mới thấy đó là loại lý luận tồi tệ của kẻ chờ gió phất cờ. Loại nguỵ biện xã hội – cơ hội chủ nghĩa.

Để nói về truyền nhiễm, có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu phạt nặng mọi quán ăn vì vẫn dùng chung chén, dĩa, ly… và quy định con người theo thời chiến: đi đâu cũng mang bát, muỗng… theo tư tưởng đôi đũa bác Hồ.

Hãy nên nhớ rằng một bình nước chia sẻ, không có nghĩa là mọi người đều uống vào đấy, mà có cả những người đến để sớt vào bình của mình mang đi, hoặc uống bằng chính ly của mình. Với ý kiến của tác giả ấy (có thể mang sự lo ngại của nền giáo dục miền Bắc XHCN) thì sự vô ý thức của con người có thể dẫn đến bệnh truyền nhiễm. Nhưng ở mặt bằng văn hoá cơ bản của miền Nam từ cả thế kỷ, con người khi dùng chung, đều đã có ý thức của mình. Đó là sự khác biệt lớn mà hôm nay thì mới bị cào bằng.

Người ta không hủy diệt truyền thống với bộ dạng học đòi văn minh hay nguỵ biện. Sự tử tế cần được dắt tay vào những con đường đúng và gìn giữ nó – theo một quy định hỗ tương của cộng đồng. Nếu truyền thống tốt đẹp đó sống trong một yêu cầu, quy định đúng về vệ sinh cộng đồng, thì vẫn tốt hơn sự rầm rập cướp giật ghê tởm được nhìn thấy.

Sự ngụy biện và bao che cho bọn cường hào ác bá cướp tài sản của người khác bằng lý lẽ trật tự đô thị, chỉ vẽ ra sự hỗn mang của một xã hội không còn biết nghĩ, chỉ biết xuẩn động.

Con người cần phải tập ngước nhìn, trước khi tập bước đi vào văn minh. Để biết mình ra sao, con người cũng đơn giản cần biết tập cúi nhìn, trước khi phóng uế vào chính chân mình.

Ngày xưa, khi các phong trào đấu tranh hổn hển cùng uống chung ca nước của các bà mẹ lén lút yểm trợ thì luôn được ca ngợi. Giờ thì những ca nước ấy bị đạp bỏ, bị ghê tởm, có thể bởi các nhân vật đấu tranh ấy đã làm quen với văn minh, uống nước đóng chai. Hoặc việc ca ngợi đó chỉ là giả dối và lợi dụng sự thật thà của nhân dân.

Tôi khinh những bài lý luận trên đất nước này, lúc này, luôn có vẻ dân chủ và khoa học, luôn có vẻ chọn đứng trên mặt trận tuyến đầu, nhưng khi vacccine 3 trong 1 chích trẻ con đến chết hay buộc đóng phí xe máy như thắt cổ dân, thì các tác giả ấy luôn câm miệng.

Tôi khinh những kẻ cơ hội, luồn lách qua các khe hở dân chủ để chứng minh mình tiên phong và tiến bộ, múa may ngòi bút vào chỗ hư không nhưng khi nhìn thấy bọn cẩu quan tham nhũng hay công an đánh chết người vô tội thì tảng lờ như chuyện ở một quốc gia khác.

Một lời khinh không chỉ nhằm đến một ai, mà tôi muốn phát đi tung tẩy trên đất nước này, trúng ai thì nhục nấy chịu. Những kẻ ấy nay đang tràn lan trên đất nước tội nghiệp này.

Tuấn Khanh

138. Người Sài Gòn

Hồi những năm 90, đài Saigon có chiếu bộ phim truyền hình có tựa “Người Bắc Kinh ở Newyork”, kể về một gia đình người Hán sang Mỹ định cư, họ trải qua bao thăng trầm, cay đắng vì khác biệt văn hóa, suy nghĩ…và khi họ hòa nhập được, có công việc, sự nghiệp thì là tan hoang gia đình, vợ chồng ly hôn, đại loại vậy. Nhân vật Văn (vai nam chính) có nói một câu như vầy với các đồng hương khi mới qua Mỹ: Newyork không phải là địa ngục, cũng không phải là thiên đường, mà là chiến trường, chỉ có chiến đấu thì mới tồn tại, hồi sinh được.
Không liên quan, giờ kể chuyện nghe chơi, khúc bên hông CoopMart ngay ngã tư Phan Văn Trị-Lê Đức Thọ, Gò Vấp trước được rào bằng tôn để giữ xe cho khách, vẫn còn một khúc vỉa hè phía bên ngoài. Và, cứ tầm chiều khoảng 5h, là cái bạn trong hình đó, bản chạy xe wave đến, dựng cái kệ sắt lên, và hành nghề dán điện thoại, máy tính bảng. Mình đôi lần ghé bản để dán điện thoại hay mua mấy tấm decal trang trí, vì rẻ hơn vô tiệm rất nhiều.


Bẳng hơn 3 tháng qua, CoopMart cho thuê mặt hông làm 3 quán nhậu. Thế là bản phải đi tìm chổ mới để bày hàng kiếm ăn. Nên suốt thời gian qua, mỗi ngày làm về không thấy nữa.
Bỗng dưng chiều nay thấy bản ngồi phía bên kia đường, cạnh karaoke Trường Thành, đồ nghề gọn gàng hơn, chỉ một thùng xốp, với 2 cái ghế. Ghé dô cho bản dán con táp lét Tàu lai Việt, hỏi, sao ko thấy kệ hàng, đáp vậy cho dễ anh, ngồi bên này trật tự, công an có đuổi thì ôm thùng xốp chạy nhanh hơn. Dán cái táp lét 10 inch, lấy 70k, rẻ hơn ở tiệm tới 50k.
Đoán chắc là còn đi học, nên chiều tối mới đi dán. Nhìn tướng ốm ốm, nói năng nhẹ nhẹ, tự dưng mình liên tưởng đến thằng em xã hội – Le Crépuscule quần là, áo lượt, miệng ngậm Kent, tối ngày suy nghĩ làm sao thắng được Sea Battle với mình. Chả biết sao, nhưng 2 bạn này tướng tá giống nhau kinh, không biết hòa máu có nhận bà con được ko? Đùa đấy.
Trong năm năm qua, chứng kiến nhiều bạn bè bỏ nghề luật, chuyển sang làm nghề khác cũng nhiều. Tự nhiên thấy, hình như ở Saigon, con người ta dễ thích ứng để tồn tại, và xa hơn nữa là chắp cánh hoài bão. Nếu mai này chán nghề, chắc mình chuyển sang tư vấn tình dục tuổi chớm chiều, thể nào website nhiều người đọc, đủ để Google Ads đặt quảng cáo, vậy là sống ổn qua ngày được rồi….
Ai ở Gò Vấp, bữa nào mua điện thoại mới, hoặc có điện thoại cũ, rảnh cứ lột miếng dán ra, rồi tới bạn này dán lại, vừa làm mới điện thoại, vừa góp phần ủng hộ người ta trong cuộc mưu sinh.
* Trong một diễn biến khác, WB dự đoán nợ công của Việt Nam đã lên đến 110 tỷ usd, như vậy mỗi người trong chúng ta đang gánh trên vai khoảng 25 triệu tiền nợ công.

Cái này, mình nói cho mấy bạn hay tự xưng người chánh gốc phố cổ, hay người gốc gốc…gì đó, ở Saigon thì vầy:

– Ở Saigon không bao giờ người ta nói hay hỏi anh có phải người Saigon gốc không?

– Ở Saigon, gọi là dân Saigon để chỉ những người đã, đang sống ở Saigon và cảm thấy yêu thương Saigon.

– Ở Saigon, hiếm khi có sự phân biệt, bạn được phục vụ vì bạn là khách hàng, vậy thôi.

– Ở Saigon, vẫn có cướp giựt như mọi miền, nhưng không vì thế mà người Saigon e ngại, hay từ bỏ lối sống lạc quan, hay cực đoan trong việc giao tiếp.

– Ở Saigon, đó là nơi đất lành, chim tứ xứ đậu, từ thiên tài đến trộm cướp, đủ hết. Và người Saigon, thì mặc nhiên chấp nhận grin emoticon.

– Ở Saigon, mỗi ngày đều đáng sống, và khi yêu Saigon thì người Saigon vẫn hoài niệm quá khứ theo cách riêng của mình, mà không ồn ào, la lối.

– Ở Saigon, chuyện từ thiện, giúp đỡ nhau vẫn nhiều hơn những chuyện tiêu cực, xấu xa.

– Ở Saigon, người ta dễ yêu nhau vì tình cảm, dễ xa nhau cũng vì tình cảm, dẫu tiền bạc vẫn quan trọng.

– Ở Saigon, giàu nghèo gì cũng có xe máy, cũng mặc quần què, uống bia vỉa hè từ tối đến sáng, nhưng ít nhậu buổi trưa.

– Ở Saigon, nụ cười hiếm khi tắt, có thể hỏi đường xe ôm, mà không bị nhăn nhó, khó chịu, nhưng bạn nhớ nói lời cảm ơn.

– Ở Saigon, người ta giỡn nhau nhiều hơn cãi lộn, đánh lộn. Ít lớn tiếng, ồn ào khi vào thang máy hoặc chổ đông người.

– Ở Saigon, người Saigon thích sự khiêm tốn, gọn lời nhưng nồng ấm trong giao tiếp, thích làm hơn nói, và hát bolero nhiều hơn so với các vùng miền khác.

– Ở Saigon, bạn có thể ăn bất cứ thứ gì có từ các vùng miền khác. Đặc trưng của ẩm thực Saigon là cái gì cũng có, nhưng ăn vẫn ngon.

– Và cuối cùng, ở Saigon, người Saigon không bao giờ tự xưng với người khác rằng tôi là người Saigon gốc, chẳng bao giờ quan tâm ai là dân nhập cư. Saigon, ngưỡng mộ người đến sống và thành đạt, đóng góp phúc lợi cho xã hội, cộng đồng.

Vậy thôi nha.

#tuehoan Hoành Hữu Hồ
https://www.facebook.com/tuehoan

126. Ông Nguyễn Sự bất ngờ “treo ấn từ quan”

Ông Nguyễn Sự bất ngờ “treo ấn từ quan”

Giải thích về việc đang được tín nhiệm cao nhưng xin nghỉ việc, ông Nguyễn Sự nói nếu ông tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức

Trải qua 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Sự vừa làm đơn xin nghỉ trước tuổi. Ông Sự sinh năm 1957, 37 tuổi Đảng, 21 năm giữ các chức vụ lãnh đạo TP Hội An.

Nhiều người khóc khi nghe tin ông Nguyễn Sự nghỉ

Lại một lần nữa ông Nguyễn Sự làm một việc không giống ai. Trong khi nhiều người chạy đua để giữ chức, giữ ghế thì ông xin nghỉ. Nhiều người đoán già đoán non, thậm chí gọi điện thoại về Hội An hỏi có phải vì ông Sự vì sức ép mà thôi chức?

Hỏi ông thì ông cười, bảo: “Nói thế tội anh em! Không ai ép cả. Chỉ thấy đến lúc mình phải rời vị trí và nghỉ ngơi đúng nghĩa. Tôi định nghỉ từ lâu nhưng anh em không cho. Bây giờ anh em vẫn thuyết phục nhưng tôi quyết rồi. Trước khi nghỉ, tôi vẫn hoàn thành tất cả công việc của mình cho đến phút chót”.

Nguyễn Sự làm Chủ tịch UBND thị xã Hội An từ năm 1994, sau đó thị xã trở thành TP thì ông làm Bí thư Thành ủy. Những câu chuyện về hàng loạt việc làm khác người của ông Sự được người dân nhớ lại và kể hoài không hết. Những câu chuyện đó luôn gắn với tính cách thẳng thắn, bộc trực, liêm khiết, luôn đặt lợi ích của người dân, cộng đồng lên trên để giải quyết mọi công việc. Tên tuổi của ông luôn gắn với Hội An và sự phát triển của Hội An, là niềm tự hào của người dân Hội An.

Một cán bộ Hội An cho biết cách đây vài tháng, khi ông Sự tuyên bố xin nghỉ, nhiều người đã khóc. Một số người dân nghe tin đã đến tận nhà bày tỏ sự nuối tiếc và lòng biết ơn. Có người định biếu ông một số tiền lớn dưỡng già nhưng ông từ chối. Ông tâm sự: “Mình ghi nhận tấm lòng của người dân đối với mình. Họ nghĩ tới và thương mình là gia tài quý nhất rồi”.

Ông Nguyễn Sự trong một lần gặp gỡ giới văn nghệ sĩ Ảnh: LÊ VIẾT HAI Ông Nguyễn Sự trong một lần gặp gỡ giới văn nghệ sĩ Ảnh: LÊ VIẾT HAI

“Không muốn làm tàu lá chuối”

Những ngày này, tìm ông Sự thật khó. Hội An đang tổ chức Đại hội Đảng các cấp nên ông rất bận rộn. Khi được hỏi về dự định nghỉ việc, ông Sự cho biết: “Ai làm việc rồi cũng đến lúc nghỉ. Có gì bất thường đâu. Chức vụ có phải cha truyền con nối đâu! Mình được trao chức vụ đó, xong việc thì trao lại để người khác tiếp tục làm”.

Ông Sự kể về triết lý tàu lá chuối. Trong khi những cây khác lá vàng tự động rụng xuống cho lá xanh vươn lên thì tàu lá chuối luôn bám chắc vào thân cây khi đã héo quắt. Những tàu lá chuối héo bám chắc đến nỗi nếu muốn bứt nó ra thì phải cắt bỏ. Ông bảo: “Tôi không muốn làm một tàu lá chuối. Tôi nghỉ lúc này là hơi muộn. Không có gì băn khoăn cả. Nhiều anh em nghĩ như tôi, họ cũng thấy đó là điều bình thường. Ở lâu trên cương vị thì có nhiều kinh nghiệm nhưng sẽ không còn nhanh nhạy, chậm theo kịp cái mới. Mình tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức, sáng tạo, cống hiến và phát triển”.

Sâu sát dân, quyết đoán, hiệu quả

Ông Nguyễn Sự tự nhận chưa am hiểu nhiều về phố cổ, về du lịch nhưng đã có những quyết định đúng đắn về việc tôn tạo giữ gìn nhà cổ và những di sản để phát huy được giá trị lâu dài cho hiện tại và tương lai. Những dự án như đêm phố cổ, phố không động cơ xe máy, treo đèn lồng trên phố… lúc khởi động chưa phải đã nhận được sự nhất trí cao nhưng rồi những lợi ích thiết thực từ những dự án ấy đã khiến người dân Hội An dần tự giác, hào hứng tham gia.

Đầu tiên là việc lập lại trật tự vỉa hè bằng cách lấy sơn vạch đôi cái vỉa hè nhỏ, thuyết phục những người dân ở mặt tiền chia đôi vỉa hè cho người đi bộ và người buôn thúng bán bưng trong ngõ. Việc tưởng dễ dàng nào ngờ gặp sự phản ứng quyết liệt của một số hộ dân. Họ chửi ghê gớm như quyết định đó lấy đi miếng cơm của họ. Ông Sự cùng anh em đi vận động giải thích với từng gia đình để họ hiểu, việc đó là để cho dân sinh hoạt và mưu sinh dễ dàng hơn. Hơn một năm trời không hôm nào ông Sự về nhà trước 24 giờ. Bây giờ không cần những vạch đỏ đó thì trật tự vỉa hè vẫn nguyên như thế!

Việc cấm ô tô vào phố cổ khi đưa ra cũng bị phản ứng dữ dội. Ông Sự giải thích cho dân hiểu tại sao phải cấm, vì nhà cổ xuống cấp, ô tô chạy vào rung động, gây ồn làm nhà cửa bà con nhanh hỏng hơn. Cấm xong ô tô rồi đến lượt cấm nốt xe máy. Lúc đầu là ban đêm, sau là ban ngày, nửa ngày rồi cả ngày… Từ vài khu phố, nay cả phố cổ mọi người đều vui vẻ chấp hành.

Cán bộ ở Hội An đã quen với cách làm việc của vị lãnh đạo sâu sát, gần dân và hầu như không lệ thuộc vào giấy tờ. Mọi việc được quyết ngay trên thực tế công việc. Nhiều việc ông Nguyễn Sự quyết và triển khai ngay, giấy tờ đi theo sau.

Chẳng hạn, chủ trương Cù Lao Chàm không sử dụng bao ni-lông được triển khai trên một chuyến đi công tác tại Cù Lao Chàm vào tháng 5-2012 của ông Sự. Chứng kiến những bao ni-lông nổi lềnh bềnh sóng táp vào bãi biển, ông nghĩ ngay việc không sử dụng bao ni-lông để gìn giữ môi trường biển. Cuộc họp với UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) hôm đó đã triển khai thực hiện ngay chủ trương này. Nhờ đó, san hô và các sinh vật dưới lòng biển Cù Lao Chàm hồi sinh và phát triển. Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời trở thành điểm hấp dẫn du khách hiện nay.

Trong công việc, ông Nguyễn Sự không hề ngại va chạm để bảo vệ ý kiến đúng đắn. Năm 1995, Hội An đã tổ chức bán vé tham quan nhưng giá rất rẻ, tiền bán vé 1 năm được 52 triệu đồng trong khi chi phí hết 57 triệu. Ông cho xây dựng phương án tăng giá vé gấp 10 lần. Lúc đó, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí phản đối quyết liệt, gây áp lực với chính quyền. Đấu tranh nhiều ngày về việc tăng giá vé với cấp trên mà vẫn không được, ông Sự nổi nóng: “Nếu các anh không tán thành, tôi đóng cửa phố cổ không cho vào tham quan”. 10 ngày sau, tỉnh quyết định thông qua phương án đó và ngày đầu tiên tổ chức bán vé, Hội An thu về 13 triệu đồng. Năm đó (1995), Hội An thu 5,7 tỉ đồng từ việc bán vé tham quan.

Không chỉ biết đấu tranh mà ông Nguyễn Sự còn luôn sẵn sàng xin lỗi. Đã không ít lần ông xin lỗi dân về những việc làm hay những quyết định chưa đúng. Ông cho rằng mình không phải là người hoàn hảo và cũng mắc không ít sai lầm. Có thời kỳ Hội An trồng hàng loạt cây hoa sữa khiến người dân phản ứng, ông Sự đã xin lỗi người dân vì chủ trương là do ông đề ra, sau đó sửa sai bằng cách chặt toàn bộ hoa sữa và thay bằng loại cây khác.

Năm 2001, ông Nguyễn Sự được UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An; năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì đã có nhiều đóng góp cho Hội An; năm 2012, được trao giải thưởng “Văn hóa Phan Chu Trinh”.

122. Vườn kinh bằng đá độc nhất vô nhị Việt Nam

Vườn kinh bằng đá độc nhất vô nhị Việt Nam

Vườn kinh bằng đá với 500 trang kinh khắc trên phiến đá được triển khai trên diện tích vườn sao rộng trên 4.000m2, thuộc chùa Phước Hậu (Tam Bình, Vĩnh Long), do Thượng tọa Thích Phước Cẩn, trụ trì chùa Phước Hậu khởi xướng.

Anh Cường- chủ cơ sở Nhật Tân đang điều khiển máy khắc đá, với những phiến đá khắc kinh nặng 300kg.

500 trang kinh được khắc trên 250 phiến đá. Mỗi trang kinh bằng đá dày từ 8- 9cm, rộng 1m, dài 1,3m, nặng khoảng 300kg; khi hoàn thành sẽ được bố trí theo hình dáng của 8 lá bồ đề xòe ra, khách tham quan sẽ đi theo những hình xuyến xung quanh các lá bồ đề.

Ngoài một số công trình được chế tác tại chỗ, còn lại tất cả 250 trang kinh đá được khắc bằng máy, tại cơ sở chạm khắc đá Nhật Tân (Trà Ôn). Công trình có tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2015. Nhưng vào ngày 28 tháng Giêng này, chùa sẽ trưng bày tại vườn kinh một số trang kinh đá đầu tiên.

Đây là công trình văn hóa Phật giáo vừa có ý nghĩa, vừa mang giá trị mỹ thuật cao; khi hoàn thành vườn kinh đá sẽ là nơi thu hút nhiều du khách trong ngoài tỉnh đến chiêm bái, thưởng lãm, tham quan.

Vườn sao rộng trên 4.000m2, sẽ trở thành vườn kinh đá trong tương lai.
Sơ đồ vườn kinh đá mang dáng nét 8 lá bồ đề.
Một số công trình được thực hiện tại chỗ.

Theo NGỌC TRẢNG (báo Vĩnh Long Online)

119. Hàng triệu xe máy phải kiểm định khí thải?

Hàng triệu xe máy phải kiểm định khí thải?

TT – Bộ GTVT đã có văn bản giao Cục Đăng kiểm VN triển khai thực hiện quyết định đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy được Thủ tướng phê duyệt ngày 17-6-2010.

Xe máy xả khói trên đường Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM (ảnh chụp trưa 3-8) - Ảnh: Quang Định
Xe máy xả khói trên đường Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM (ảnh chụp trưa 3-8) – Ảnh: Quang Định

Theo đó, lộ trình giai đoạn 2010-2013 kiểm khói đối với xe máy trên 10 năm tuổi ở TP.HCM và Hà Nội.

Việc triển khai theo văn bản của Bộ Giao thông vận tải về kiểm soát khí thải xe máy là một động thái tích cực nhằm giảm thiểu tác hại của các loại khí thải độc hại đối với môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, câu chuyện kiểm soát khí thải vẫn còn rất khó bởi lộ trình chưa hợp lý và chế tài nửa vời.

Việc làm cấp bách

Theo một tính toán của chương trình công nghệ giảm phát khí thải nhà kính Việt Nam thuộc dự án Calculator 2050 của Anh tài trợ cho Bộ Công thương thực hiện, ước tính tỉ lệ người tử vong do ô nhiễm không khí từ khí thải ôtô, xe máy tại TP.HCM khoảng 14 người/ngày vào năm 2015.

Số lượng phương tiện xe máy trên cả nước đã vượt qua con số 37 triệu xe, vượt kế hoạch bảy năm so với lộ trình phát triển giao thông đường bộ được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Chuyện kiểm soát khí thải xe máy đang là việc làm cấp bách nhất hiện nay.

Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, 24/37 triệu xe máy đang trở thành nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí tại các đô thị. Hầu hết các TP lớn đều nhiễm bụi PM10, CO, HC, NOx và các chất phụ gia trong xăng như benzene…

Đây là những chất độc hại có trong khí thải xe cơ giới, chủ yếu từ các xe chạy bằng xăng. Số liệu nghiên cứu tại TP.HCM cũng cho thấy các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng nhanh, tỉ lệ thuận với sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí. Biết là vậy nhưng kiểm soát khí thải, nhất là đối với xe máy, quả là chuyện “không dễ ăn”.

Xung quanh việc kiểm soát khí thải, ông Lê Anh Tú – phó trưởng phòng kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam – cho biết dự kiến môtô, xe máy cứ trên ba năm sử dụng phải được đi kiểm định khí thải một lần/năm. Thủ tục kiểm tra khí thải xe máy rất đơn giản, mỗi lần kiểm tra chỉ mất khoảng 10 phút/xe.

Nếu phát hiện những bộ phận nào là nguyên nhân gây nên khí thải vượt mức cho phép thì nhân viên kiểm định sẽ tư vấn với người dân để thay thế.

Về vấn đề tiêu chuẩn nào là chuẩn cho khí thải xe máy được lưu thông tại Việt Nam, ông Tú nói hơn 50% xe máy qua điều tra của cục đều không đạt mức khí thải tiêu chuẩn là 4,5 CO và 1.500HC (đối với xe sử dụng động cơ bốn kỳ) và 10.000 HC (động cơ hai kỳ) đang được áp dụng tại Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).

Đây là một vấn đề cần có lộ trình, cục sẽ đề xuất mức tiêu chuẩn “mềm” cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí – phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cục đã xây dựng trạm mẫu kiểm định khói tại Hà Nội và TP.HCM làm cơ sở cho nghiên cứu thử.

Quan điểm của cục vẫn là thực hiện từng bước, có trọng tâm trọng điểm. Trước tiên là kiểm soát ở hai TP lớn, sau đó mới mở rộng ra các địa phương khác. Lộ trình trước hết là kiểm soát xe cũ, sau đó đến xe mới.

Còn nhiều vướng mắc

Nhiều người dân hiện nay đang rất thắc mắc liệu đề án sẽ đi đến đâu? Bởi không phải đến thời điểm này chuyện kiểm soát khí thải xe máy mới được nhắc đến. Nếu theo đúng lộ trình thì đề án kiểm soát khí thải xe máy đã bước vào giai đoạn 2, tức là giai đoạn 2013-2015 sẽ kiểm định khí thải từ 80-90% xe máy tại hai TP thí điểm là TP.HCM và Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Vinh – nhân viên bảo hành của một hãng xe máy lớn ở thị trường Việt Nam – nhìn nhận nếu áp dụng mức tiêu chuẩn bắt buộc phải đạt thì có thể 50% xe máy hiện nay phải được bảo dưỡng, thay thế một số phụ tùng như xupáp, bộ chế hòa khí…

Phí bảo dưỡng, sửa chữa được ước tính từ vài chục ngàn tới vài trăm ngàn đồng đối với xe số và có thể lên hơn 10 triệu đồng đối với các xe tay ga.

“Tôi nghĩ kiểm tra, bảo trì xe thì tốt nhưng chỉ với những người có xe đời mới, chứ với những người lao động có xe cũ thì dễ gì họ chịu bỏ tiền ra thay thế phụ kiện để đáp ứng khí thải. Hiện ở TP.HCM số lượng người sử dụng xe máy cũ rất nhiều, nếu bị phạt chắc họ cũng bỏ xe luôn”.

“Nếu lấy tuổi xe để đi kiểm định là thiếu khoa học. Bởi thông số để xác định xe giảm chất lượng không thể dựa vào thời gian sử dụng hoặc số kilômet lưu hành. Với một chiếc xe mua cùng một thời điểm, người hành nghề xe ôm sẽ có tần suất sử dụng cao gấp trăm lần so với những người làm việc văn phòng. Còn nếu dựa vào số kilômet lưu hành để kiểm khói lại càng không ổn, vì chuyện nhờ một thợ sửa xe điều chỉnh giảm số kilômet trên đồng hồ dễ dàng như trở bàn tay” – ông Nguyễn Hồng Quang, giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-06V TP.HCM, nhận định.

Theo các chuyên gia giao thông, một trong những điểm khiến đề án này chưa khả thi chính là việc quy định xe máy có đăng ký biển số ở TP Hà Nội và TP.HCM thì sẽ phải kiểm tra khí thải. Bởi ngoài số lượng xe này còn có rất nhiều xe đến từ các tỉnh, thành khác.

Một trong những điều khiến nhiều chuyên gia đăng kiểm băn khoăn là đến nay vẫn chưa có chế tài hoặc mức phạt nào nếu người dân không chịu đưa xe đi kiểm định khói.

Về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục xây dựng dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với hành vi vi phạm về kiểm soát khí thải ôtô, xe máy. Cụ thể, các xe máy sau khi kiểm định khí thải xong sẽ được dán tem hoặc giấy chứng nhận, nếu không xuất trình được những loại chứng nhận này sẽ bị xử phạt hành chính.

“Tốt nhất là nên kiểm soát chặt chẽ công nghệ động cơ ở các nhà sản xuất xe máy. Song hành với chuyện kiểm soát khí thải thì nên tính đến bài toán giảm thiểu phương tiện cá nhân bằng cách khuyến khích xây dựng hệ thống giao thông công cộng, quy hoạch cơ sở hạ tầng đô thị hợp lý, khoa học” – ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, chia sẻ.

“Trong tương lai, số lượng xe máy sẽ tiếp tục tăng và kiểm soát khí thải là điều nên làm cấp bách. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lộ trình kiểm soát khí thải ở các nước có nhiều xe máy thì rõ ràng chúng ta đang đi rất chậm” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói.

Ông Dũng cho rằng đây là một việc làm khó nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ. Các trạm khí thải nên giao cho tư nhân làm nếu họ có đủ sức. Trong tương lai cần có chính sách khuyến khích và ép các công ty xe máy đầu tư công nghệ mới.

HOÀNG DUNG – NGỌC ẨN

TP.HCM chưa được triển khai

Trung tá Trình Xuân Hải, đội trưởng đội CSGT Công an Q.1 (TP.HCM), cho biết hiện vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc hướng dẫn xử phạt xe máy lưu thông trên đường tại TP.HCM nhưng không đạt tiêu chuẩn về mức khí thải ra môi trường.

Để xử lý được những phương tiện lưu thông có vi phạm về khí thải thì phải có máy đo để định lượng xử phạt. Nhưng hiện nay đội chưa có loại thiết bị này.

Thiếu tá Nguyễn Khắc Vũ, đội trưởng đội CSGT Công an Q.Phú Nhuận, cũng nói chưa nắm được quy định mới về xử phạt các loại xe máy không đạt tiêu chuẩn về xả khí thải ra môi trường.

Trước đây, Chính phủ có nghị định có hướng dẫn xử lý các loại xe tải, xe buýt… xả khói đen mù mịt ra môi trường. Tuy nhiên, ở cấp các đội CSGT quận, huyện thì chưa có thiết bị đo khí thải để xử lý.

Lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm 50-02S (Q.11) cho biết đến nay chưa nghe thời điểm triển khai cụ thể kiểm định xe máy tại TP.HCM từ Cục Đăng kiểm Việt Nam. Việc đăng kiểm xe máy sẽ không đơn giản vì rất dễ bị phàn nàn. Kiểm định ôtô còn phải mất rất nhiều năm mới đưa vào nề nếp, chắc chắn kiểm tra khí thải xe máy sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Đình Quân – giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-05V (Q.12), việc đăng kiểm khí thải xe máy cần được mở rộng ra nhiều doanh nghiệp như các trung tâm bảo dưỡng xe máy Honda, Yamaha…

Hiện các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM đang ùn ứ kiểm định ôtô, đừng nói đến mở thêm chuyện đăng kiểm xe máy.

Đ.THANH – N.ẨN (Tuổi trẻ)

Bình luận: Cuối tiêu đề bài viết là một dấu chấm hỏi, chán.

111. Bộ trưởng “lên” Facebook, rồi sao nữa?

Bộ trưởng “lên” Facebook, rồi sao nữa?

(TBKTSG Online)- “Do danh sách bạn bè đã lên đến 5000 người rồi nên mình không “thêm bạn” được nữa. Các bạn cần thông tin về y tế cũng như muốn theo dõi hoạt động của mình thì các bạn có thể theo dõi hoặc vào fanpage này nhé (…). Xin lỗi thời gian qua cũng không trả lời được nhiều bạn thăm-hỏi và động viên. Cảm ơn các bạn”

Facebook mang tên và hình ảnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Facebook mang tên và hình ảnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Đó là nội dung một “status” được đăng tải hôm 31-7 tại Facebook của “Kim Tiến Nguyễn Thị”. Facebook (FB) này đang được xem là trang cá nhân của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mới được lập ra hôm 9-7-2014. Tức là chưa đầy một tháng sau khi lập ra, đã có đến gần 5.000 người kết bạn và 1.665 người theo dõi (tính đến ngày 4-8).

FB có hình đại diện là ảnh cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Tất cả các nội dung được đưa lên là các hoạt động của Bộ trưởng Tiến, các thông báo, khuyến cáo của bộ này về tình hình dịch bệnh, tiêm chủng, các văn bản chỉ đạo trong ngành có tính công khai. Nói khác đi là FB này như một kênh truyền thông hoạt động của Bộ trưởng Tiến và nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi.

Mỗi “status” đều nhận được hàng chục đến hàng trăm thảo luận, chủ yếu tỏ thái độ tôn trọng, động viên, trao đổi với Bộ trưởng về các vấn đề của ngành y tế. Hơn hết, dư luận đều bày tỏ sự đồng tình với việc lần đầu tiên ở Việt Nam có Bộ trưởng dùng mạng xã hội như một kênh tiếp xúc với người dân. Cho dù ở nước ngoài, dùng mạng xã hội theo cách này là chuyện thường đối với các chính khách, đại biểu Quốc hội.

Lãnh đạo Vụ truyền thông của Bộ Y tế không xác nhận FB này có đúng là của Bộ trưởng Tiến hay không. Vị lãnh đạo vụ nói với TBKTSG Online: “Tôi cũng có vào các FB này nhưng không biết có phải của Bộ trưởng không, Mà nếu đúng thì FB là vấn đề cá nhân, chúng tôi không tham gia, không có ý kiến gì”. Các trang mà ông nói ở đây là trang FB trên và FB “Botruongnguyenthikimtien”, có hình ảnh, nội dung tương tự như nhau.

TBKTSG Online đã liên lạc với Bộ trưởng Y tế để xác nhận song chưa nhận được hồi âm.

Thực ra, việc Bộ trưởng Tiến có chính thức xác nhận hay không công khai việc mình dùng FB thì dư luận đang đón nhận sự xuất hiện này theo nghĩa tích cực. Hình thức giao tiếp không có gì mới trên thế giới của các chính khách qua FB, Twitter nếu được một vị bộ trưởng “khơi mào” ở Việt Nam đáng được khuyến khích. Nhất là đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, người đứng đầu ngành vốn không được lòng dư luận kể từ ngày bà nhậm chức. Số phiếu tín nhiệm bà thấp so với nhiều vị bộ trưởng cùng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm hồi tháng 5-2013. Và gần đây nhất, hồi tháng 4-2014, bà bị dư luận yêu cầu từ chức vì các phản ứng chậm trước diễn biến xấu của dịch sởi, khiến hơn 100 trẻ em thiệt mạng.

Nguồn tin của TBKTSG Online cho biết, trong nỗ lực nâng cao hình ảnh của mình, Bộ trưởng Tiến đã lựa chọn cả công ty truyền thông nước ngoài để xây dựng FB cũng như xây dựng hình ảnh của mình khi xuất hiện trước công chúng. Nếu Bộ trưởng Tiến làm như vậy cũng là minh chứng cho việc một người lãnh đạo ngày một cầu thị, biết lắng nghe dân chúng và ứng xử trước giới truyền thông ngày một chuyên nghiệp hơn mà thôi. Bởi những nội dung trên FB này chủ yếu chuyển tải các thông điệp chính thống của bộ về dịch bệnh, các hoạt động xã hội của bộ trưởng, thậm chí là các hoạt động nội bộ ngành.

Song ở đây có việc phải bàn là do tên tuổi của Bộ trưởng và FB tên bà được nhiều người đón nhận như vậy, lẽ ra Bộ trưởng hoặc những người được bà chọn để cập nhật thông tin phải lựa chọn cách tiếp cận cộng đồng hiệu quả hơn. Ví dụ FB của Bộ trưởng không cần đăng tải công văn yêu cầu chấn chỉnh việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị dụng cụ y tế là việc mà trang thông tin điện tử của bộ hay nhiều tờ báo đã đăng rồi.

FB của bộ trưởng cần mở các diễn đàn để người dân góp ý, hiến kế về việc “làm thế nào để mua sắm trang thiết bị y tế đúng chuẩn, giá tốt”, làm thế nào cải tiến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, chống tham nhũng trong ngành y tế… Nhiều người “comment” trên FB của Bộ trưởng Tiến cũng muốn và sẵn sàng hiến kế nếu có hồi âm.

Hơn thế nữa, một vị bộ trưởng nếu dùng FB hoặc những người quản lý FB cho bà không nên chỉ đơn giản làm một việc là đăng tải các nội dung khuyến cáo dịch bệnh…mà không hề có hồi âm gì trước những ý kiến, hỏi han, đề xuất của những người theo dõi. Hiệu quả của FB này, do vậy là vẫn chưa rõ, chưa lan rộng. Đó là chưa nói đến việc dùng FB chỉ hiệu quả thật sự một khi nó đi kèm với những hành động thiết thực ngoài đời.

Lan Nhi (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Bình luận: Chuyện này là chuyện bình thường. Mình cũng đã lên kế hoạch làm như vậy rồi. Nói chung ý của bài viết là cần thân thiện, gần gũi hơn nữa với người dân. Tôi nghĩ rằng thành phố tôi trong tương lai chính quyền và công dân chắc chắn sẽ thân thiện, cởi mở và gần gũi với nhau. Mong lắm thay!

97. Flappy Bird, sự sáng tạo và lòng yêu nước

Flappy Bird, sự sáng tạo và lòng yêu nước

SGTT.VN – Dường như chúng ta chưa thực sự ý thức rằng góp sức phát triển và bảo vệ các sản phẩm mang thương hiệu Việt cũng là bày tỏ lòng yêu nước.

“Đạo” và sáng tạo

Sau khi lọt vào “mắt xanh” của truyền thông quốc tế, chú chim “made in Việt Nam” Flappy Bird nhanh chóng trở nên nổi tiếng và cả chuốc… tai tiếng. Trong số đó, nổi lên chỉ trích cho rằng Flappy Bird bắt chước ý tưởng và ăn cắp hình ảnh từ các game khác.

Dễ dàng nhận thấy trong Flappy Bird thấp thoáng bóng dáng của trò chơi Nấm Mario kinh điển. Còn chữ “Bird” lại gợi liên tưởng ngay đến hình tượng chú chim nổi tiếng Angry Bird được nhiều người yêu thích.

 

Flappy Bird đã thực sự gây tiếng vang quốc tế.
Flappy Bird đã thực sự gây tiếng vang quốc tế.

Nhưng có thể vì thế mà vội vàng kết luận Flappy Bird “đạo”, “ăn cắp”, v.v… Trong một thế giới vốn “không có gì mới dưới ánh mặt trời”, liệu có sáng tạo nào không dựa trên nền tảng của những sáng tạo, những thành tựu có sẵn?

Liên quan đến chỉ trích trên, xin dẫn lại ý kiến của TS. Lương Hoài Nam chia sẻ trên trang cá nhân: “Nếu Mr. Honda không ‘xẻ thịt’ cái xe máy Babetta mua ở Tiệp và cho vào vali mang về Nhật nghiên cứu, làm sao nước Nhật biết làm xe máy? Nếu Samsung không ‘xẻ thịt’ các sản phẩm của Apple, làm sao họ biết làm Galaxy?…”

Theo quan niệm của người Do Thái, một trong những giá trị của con người là quá trình lấy cái học được làm cơ sở để sáng tạo ra cái mới. Và người Do Thái góp mặt đông đảo ra sao trong hàng ngũ những nhân vật nổi tiếng thế giới khai sáng học thuyết mới, công nghệ mới… thì chúng ta đều đã rõ.

Flappy Bird rất đơn giản cả về cách chơi lẫn thiết kế, nhưng sức hút mạnh mẽ của nó hẳn không phải là “ăn may” như nhiều người nghĩ. Có thể nói, trò chơi này đã hội tụ được cái hay, hấp dẫn của những game kinh điển, từ đó sáng tạo và phát triển để tạo thành một sản phẩm cá nhân, riêng biệt, gây tiếng vang.

Lòng yêu nước

Ra đời từ giữa tháng 5.2013 và đến đầu năm 2014, Flappy Bird đã gây sốt với nhiều tờ báo, hãng truyền thông có uy tín trên thế giới như Forbes, CNN, Cnet, Bloomberg, The Verge… Làm được vậy không hề dễ, và nó chứng minh người Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm công nghệ thông tin đủ sức chinh phục thế giới, có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.

Sự tự tin này là điều đất nước, dân tộc chúng ta đang rất cần. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ khi đủ sức mạnh xây dựng nền kinh tế vững chắc, vốn lấy tri thức, sáng tạo làm nền tảng đột phá.

Chúng ta đã và đang tự hào về những người Việt chinh phục các kỳ thi quốc tế trong lĩnh vực toán học, vật lý, piano… Nhưng Việt Nam cũng rất cần những sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sáng tạo, tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường quốc tế, để thế giới biết đến một VN năng động, phát triển.

Với Flappy Bird, chắc chắn Nguyễn Hà Đông sẽ còn có những điểm cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện. Đây cũng sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho giới công nghệ thông tin VN. Song việc chỉ trích, ” ném đá “, giễu cợt ác ý nhắm vào Hà Đông sẽ không giúp Việt Nam có thêm những sản phẩm công nghệ thông tin chinh phục được thế giới trong tương lai.

Lòng yêu nước của người Việt luôn được chứng minh khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm, đe dọa. Nhưng đến nay, dường như chúng ta chưa thực sự ý thức rằng chung tay, góp sức sáng tạo, phát triển và bảo vệ các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam cũng là bày tỏ lòng yêu nước.

Nhìn nhận từ khía cạnh đó, cái Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông cần có lúc này là sự ủng hộ, chia sẻ và góp phần quảng bá của mỗi người Việt. Quan trọng hơn, những hành động biểu thị sự hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển như vậy trước hết cần có ở các những nhà lãnh đạo, quản lý.

LAN ANH/ TUẦN VIỆT NAM